Vụ thử hạt nhân mạnh nhất của Triều Tiên cuối tuần trước đã khiến chứng khoán toàn cầu chao đảo, tuy nhiên sự kiện này lại khiến các tài sản "trú ẩn" an toàn như vàng, đồng yen Nhật và đồng Franc Thụy Sỹ tăng mạnh.
Tại thị trường chứng khoán châu Á, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 0,3%. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông cũng mất 1%. Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản giảm 0,7%. Chỉ số chứng khoán Australia mất 0,6%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc mất 0,3%.
Vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng cuối tuần trước đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán Mỹ ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần mới sau ngày nghỉ lễ lao động. Lệnh bán được đưa ra ồ ạt ngay khi thị trường mở cửa kéo các chỉ số giảm điểm và nới rộng dần đà giảm sau đó.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với các chỉ số giảm điểm, vì cổ phiếu ngành tài chính, viễn thông và nguyên liệu cơ bản giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 dứt chuỗi tăng trong 6 ngày.
Cụ thể, chỉ số S&P 500 giảm 0,76% xuống 2.457,85 điểm. Dow Jones giảm 1,07% xuống 21.753,31 điểm; trong khi chỉ số Nasdaq giảm 0,93% xuống 6.375,57 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục giảm điểm trong ngày 5/9 khi nhóm cổ phiếu tài chính giảm do lo ngại về căng thẳng địa chính trị leo thang sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên cuối tuần trước.
Kết thúc phiên 5/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm giảm 38,55 điểm, tương đương 0,52%, xuống 7.372,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,50 điểm, khoảng 0,18%, lên 12.123,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 17,41 điểm, tương đương 0,34%, xuống 5.086,56 điểm.
Ngoài ra, giới đầu tư cũng đang lo lắng về cơn bão lớn mới sắp đổ bộ vào Mỹ có tên Irma. Đây là cơn bão được đánh giá ở mức độ nguy hiểm loại 5, có thể đổ bộ vào miền Nam của Mỹ vào cuối tuần này. Cơn bão Irma đổ bộ vào Mỹ chỉ ít ngày sau khi cơn bão Harvey tàn phá bang Texas , gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Đồng yên Nhật đang ở gần mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Giá vàng tăng 0,4%, lên 1.338,97 USD/ounce, cao nhất 1 năm trở lại đây. Giá dầu WTI cũng tăng 2,7%, lên 48,57 USD/thùng.
Mức độ rủi ro trên thị trường tăng cao sau khi Mỹ, Nga và Trung Quốc thiếu sự đồng thuận về cách thức gây sức ép buộc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un từ bỏ chương trình hạt nhân. Tổng thống Nga Putin và Trung Quốc đều khẳng định bổ sung thêm biện pháp trừng phạt không phải là giải pháp hiệu quả, trong khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc có thái độ khá gay gắt.
Vấn đề Triều Tiên sẽ tiếp tục chi phối thị trường chứng khoán thế giới trong tuần này. Bên cạnh đó, thị trường đang chờ đợi một loạt số liệu kinh tế sắp được Mỹ và Trung Quốc công bố.