Tuy nhiên, các nhà đầu tư tại các thị trường chứng khoán châu Á vẫn giữ tâm lý thận trọng trong phiên này khi giá dầu tăng trở lại sau đợt bán tháo mạnh, trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chững lại.
Cụ thể, chỉ số MSCI của các cổ phiếu tại châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,2%. Chỉ số MSCI sắp chứng kiến kết quả năm giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2011, một phần do lo ngại lợi nhuận doanh nghiệp tăng chậm lại và cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản nhích 0,7% trong khi cổ phiếu của Australila tăng 0,6%.
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 21/11 sau 2 phiên bán tháo dữ dội trước đó, nhờ sự khởi sắc của cổ phiếu năng lượng và công nghệ. Tuy nhiên, thị trường đã đuối đi vào cuối phiên, khi cổ phiếu Apple không giữ được thành quả tăng ngay trước kỳ nghỉ lễ Tạ ơn.
Chỉ số Dow Jones cũng không giữ được mức tăng đã có trong phiên và đóng cửa trong trạng thái đi ngang - một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường rất mong manh.
Trong những tháng vừa qua, nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp đã khiến tâm lý ham thích rủi ro của giới đầu tư suy giảm mạnh mẽ. Điều này đặt thị trường giá lên (bull market) đã kéo dài cả thập kỷ của chứng khoán Mỹ vào thế bấp bênh.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thuộc S&P tăng 0,6%, nhờ mức tăng 9,7% của cổ phiếu Autodesk, sau khi công ty phần mềm này công bố kết quả kinh doanh quý III vượt dự báo. Trong khi đó, cổ phiếu Apple chốt phiên với mức giảm 0,1%.
Kết thúc phiên, Dow Jones đi ngang ở mức 24.464,69 điểm. S&P 500 tăng 0,3%, đạt 2.649,93 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,92%, đạt 6.972,25 điểm. Sau phiên này, cả Dow Jones và S&P vẫn ở trong trạng thái giảm điểm tính từ đầu năm.
Trong một thông báo gửi khách hàng, các nhà phân tích ngân hàng ANZ lưu ý: "Các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã chứng kiến đà phục hồi sau 2 phiên bán tháo liên tiếp, nhưng nhìn chung các yếu tố hỗ trợ vẫn còn mong manh".
Theo đánh giá của ANZ, thị trường chứng khoán đang chịu áp lực từ những thông tin không mấy tích cực, bao gồm việc chính quyền Mỹ giảm dần các chương trình kích thích tài chính và nền kinh tế lớn nhất thế giới có nguy cơ giảm tốc giống như các nền kinh tế lớn khác".
Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ ở mức thấp nhất trong 49 năm và nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng 3,5%/năm, song nhiều nhà kinh tế dự báo mức thâm hụt ngân sách lớn và chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế vào năm 2020.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đi ngang ở mức 96,697 điểm.
Đồng yen Nhật vẫn duy trì ở mức 1 USD đổi được 113,07 yen sau 2 phiên giảm liên tiếp.
Trong khi đó, tỷ giá đồng euro tăng so với đồng USD, được giao dịch với tỷ lệ 1 euro “ăn” 1,1386 USD. Đồng tiền chung vẫn vững giá nhờ hy vọng rằng bất đồng về ngân sách Italia sẽ được giải quyết mặc dù Liên minh châu Âu vừa bác kế hoạch ngân sách của Roma.