Các nhà giao dịch trên thị trường chứng khoán toàn cầu hiện đang dõi theo cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, diễn ra vào ngày 6/11.
Sau khi phục hồi mạnh mẽ trong tuần trước, các chị trường chứng khoán châu Á mất điểm trong ngày 5/11 do giới đầu tư giảm kỳ vọng giải quyết cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các cổ phiếu trên thị trường châu Á đi xuống trong phiên 5/11 sau bình luận của Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, làm giảm khả năng đi đến một thỏa thuận để kết thúc cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cố vấn Larry Kudlow đưa ra những tuyên bố không mấy lạc quan về triển vọng đạt được một thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc. Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNBC, ông Kudlow cho biết hiện vẫn chưa có những biến chuyển lớn nào trong quan hệ thương mại giữa hai nước, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ và Trung Quốc chưa đứng trước “ngưỡng cửa” của một thỏa thuận thương mại.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,5% và chỉ số Kospi trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc sụt 0,9%. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông (Trung Quốc) hạ 2,1%.
Tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 tăng điểm trong ngày 5/11 nhờ đà leo dốc từ các lĩnh vực tài chính, năng lượng và phòng thủ, khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trước thềm cuộc bầu cử Mỹ giữa nhiệm kỳ.
Trong khi lĩnh vực tài chính được hỗ trợ nhờ vào kết quả lợi nhuận, thì lĩnh vực năng lượng tiến 1,6% sau khi Mỹ áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Đà sụt giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã thúc đẩy các lĩnh vực phòng thủ như bất động sản, tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu, vốn nhạy cảm với sự gia tăng lãi suất.
Kim Forrest - Quản lý danh mục cấp cao tại Fort Pitt Capital Group, nhận định: “Bất cứ khi nào tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu tăng điểm, điều đó thể hiện sự lo ngại, liên quan đến các lệnh trừng phạt Iran cũng như cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày 6/11".
Hầu hết các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 5/11. |
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy khả năng cao Đảng Cộng hòa của Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm giữ Thượng viện nhưng mất quyền kiểm soát ở Hạ viện vào tay Đảng Dân chủ. Điều này là một trở ngại tiềm tàng đối với các chính sách thúc đẩy kinh doanh của ông Trump, vốn được cho là yếu tố chính thúc đẩy đà leo dốc của thị trường chứng khoán kể từ cuộc bầu cử hồi năm 2016.
“Tuy nhiên, đà tăng điểm của S&P 500 trong phiên này có thể là dấu hiệu lạc quan đối với các nhà đầu tư rằng kết quả cuộc bầu cử sẽ tích cực đối với doanh nghiệp” - Mark Luschini, Giám đốc chiến lược đầu tư tại Janney Montgomery Scott, đánh giá.
Lĩnh vực bất động sản tăng vọt 1,7% và tăng mạnh nhất trong số 11 lĩnh vực chính thuộc S&P 500. Lĩnh vực tiện ích nhích 1,4% còn lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu cộng 1,2%.
Cổ phiếu Berkshire Hathaway bứt phá 5% và tác động tích cực nhất đến lĩnh vực tài chính thuộc S&P 500 sau khi công bố lợi nhuận hoạt động trong quý III tăng gấp đôi.
Lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 đang trên đà tăng trưởng khoảng 20% trong năm nay, và các nhà phân tích kỳ vọng lợi nhuận của công ty sẽ tăng thêm 10% trong năm tới, theo FactSet.
Tuy nhiên, Jim Paulsen, nhà chiến lược đầu tư chính của Tập đoàn Leuthold, nói rằng điều này có thể quá lạc quan bởi vì chi phí và lãi suất đang tăng lên và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm. Trong khi đó, đà lao dốc tới 2,8% của cổ phiếu Apple tác động tiêu cực nhất đến Nasdaq Composite.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 0,76%, lên 25.461.7 điểm, chỉ số S&P 500 nhích 0,56% lên 2.738.31 điểm, trong khi Nasdaq Composite sụt 0,38%, xuống còn 7.328.85 điểm.