Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán châu Á ngập "sắc xanh" trước tin Mỹ đang tìm cách để kích thích kinh tế

Nguyễn Thu (Theo Reuters, CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu châu Á tăng mạnh trong phiên ngày 20/8 nhờ kỳ vọng, cùng với Đức và Trung Quốc, Mỹ cũng tìm cách để kích thích kinh tế.

Các thị trường chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc trong phiên này khi kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế của các nền kinh tế lớn trên thế giới làm dịu nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu, điều này thúc đẩy nhà đầu tư quay lại với tài sản rủi ro hơn.
Nhà Trắng đang nghiên cứu khả năng giảm thuế biên chế (thuế FICA) tạm thời nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ, ngăn chặn sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, tờ The Washington Post đưa tin hôm 19/8.
 Chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm trong phiên ngày 20/8.
Theo The Washington Post, các cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét việc giảm thuế biên chế và một số lựa chọn khác để chấm dứt mối lo ngại ngày càng tăng về một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
Chỉ số MSCI của  cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,53%.
Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 nhích 0,54%. Chỉ số tương lai của S&P 500 cũng tăng 1,21% trong phiên ngày 20/8.
Cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc mở đầu phiên giảm nhẹ, song phục hồi tăng 0,16%. Chỉ số Hang Seng của sàn chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) cũng tăng 0,1%.
Hiện tâm lý của các nhà đầu tư cổ phiếu toàn cầu trở nên lạc quan hơn sau khi các nhà hoạch định chính sách của các nền kinh tế lớn tuyên bố sẵn sàng thực hiện các gói kích thích để hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh chịu tác động từ các cuộc xung đột thương mại quốc tế, đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trước đó, hôm 17/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cho biết, sẽ cải tiến cơ chế thiết lập lãi suất cho vay cơ bản (LPR) trong tháng 8, nhằm giảm lãi suất đi vay. Qua đó, thúc đẩy tiêu dùng để kích thích kinh tế đang tăng trưởng chậm lại do thương chiến với Mỹ.
Ngoài ra, Đức cuối tuần trước cũng tuyên bố sẵn sàng  từ bỏ chính sách cân bằng tài chính, chấp nhận nợ để kích thích kinh tế, tránh để nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào suy thoái. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz hôm 18/8 tuyên bố rằng Berlin có thể cung cấp tới 50 tỷ euro (55 tỷ USD) chi tiêu thêm để kích thích.
Tại châu Âu, chỉ số tương lai của Euro Stoxx 50 không thay đổi, chỉ số DAX của Đức tăng 0,04% và chỉ số FTSE của Anh cộng 0,03%.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang trong tháng qua đã khiến nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng, đặc biệt là việc đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược lần đầu tiên sau 12 năm (lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cao hơn kỳ hạn 10). Đây là dấu hiệu kinh điển cho một cuộc suy thoái. Lần gần đây đường cong này đảo ngược là tháng 5/2007, chỉ vài tháng trước khi cuộc suy thoái kinh tế diễn ra.
Chiến lược gia vĩ mô Masayuki Kichikawa tại Sumitomo Mitsui Asset Management Co ở Tokyo nhận xét: “Nhà đầu tư đang gia tăng kỳ vọng vào việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương, các biện pháp kích thích kinh tế ở Trung Quốc và Đức, cùng với dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Những yếu tố này đang tạo lực đẩy quan trọng cho thị trường chứng khoán toàn cầu trước những diễn biến không chắc chắn gần đây”.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/8 khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ phục hồi, làm dịu bớt lo ngại về khả năng suy thoái.
Các chỉ số chính của Phố Wall nhận được hỗ trợ sau khi Mỹ đồng ý nới rộng gia hạn tạm thời đối với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei.
 Thị trường chứng khoán Mỹ cũng tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 19/8.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/8, chỉ số Dow Jones tăng 249,78 điểm (tương đương 1%) lên 26.135.79 điểm, chỉ số S&P 500 nhích 1,2% lên 2.923.65 điểm khi các lĩnh vực năng lượng và công nghệ có thành quả vượt trội. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,4% lên 8.002.81 điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng từ 1,54% lên 1,6%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng cùng với lợi suất trái phiếu. Cụ thể, cổ phiếu Bank of America tăng 0,9% cùng cổ phiếu J.P. Morgan Chase, còn cổ phiếu Citigroup cộng 1,3%.
Các nhà giao dịch tin tưởng rằng Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell sẽ phát đi thông điệp ôn hòa về lãi suất tại hội nghị chuyên đề vào cuối tuần này ở Jackson Hole, Wyoming. 
Các thị trường đặt kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa tại cuộc họp chính sách diễn ra từ ngày 17-18/9 tới. Trước đó, hồi tháng 7, FED đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ để giảm thiểu tác động từ thương chiến Mỹ - Trung và nỗi lo ngại suy thoái toàn cầu./.