Thị trường chứng khoán thế giới hồi phục từ mức thấp nhất trong vòng 2 tháng sau đợt bán tháo do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 5/4, thị trường chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc. Chỉ số MSCI khu vực châu Á- Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,2%, sau khi chạm đáy trong gần 2 tháng. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,2%.
Các thị trường ở Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan tiếp tục đóng cửa trong phiên giao dịch ngày 5/4.
Trong phiên giao dịch ngày 4/4, lo sợ về cuộc chiến thương mại sau động thái trả đũa của Trung Quốc với hàng nhập khẩu từ Mỹ, chứng khoán toàn cầu mở cửa giảm sâu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Mỹ đã đảo chiều ngoạn mục khi giới đầu tư hướng sự tập trung vào kết quả kinh doanh.
Sau khi Văn phòng đại diện thương mại Mỹ công bố danh sách các hàng hóa của Trung Quốc chịu mức thuế nhập khẩu 25%, trị giá khoảng 59 tỷ USD, chủ yếu là hàng công nghệ và công nghệ cao, Bắc Kinh ngay sau đó đã có động thái trả đũa tương tự. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc có thể đánh thuế 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ với mức 25%, tương đương giá trị khoảng 50 tỷ USD, chủ yếu là mặt hàng đậu nành, máy bay và ô tô.
Thông tin trên đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ, hoạt động bán tháo diễn ra trên diện rộng, khiến các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm 1,3%-1,9%. Tuy nhiên, ngay sau đó, giới đầu tư đã trấn tĩnh trở lại, khi cả Mỹ và Trung Quốc đều lên tiếng phủ nhận về cuộc chiến thương mại, mà muốn hướng tới một đàm phán để tìm tiếng nói chung. Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng (NEC) ngày 4/4 cho biết Mỹ và Trung Quốc vẫn còn thời gian để giải quyết những bất đồng thương mại. “Hãy nhớ rằng chưa có hàng rào thuế quan nào được thực thi cả. Đó vẫn chỉ là những đề xuất thôi”, ông Kudlow cho biết trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi vẫn để cộng đồng bình luận về các biện pháp này. Vẫn còn ít nhất là 2 tháng trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào”.
Đại sứ Trung Quốc, Cui Tiankai, cũng cho biết lựa chọn hàng đầu của ông sẽ là đàm phán với Mỹ về thương mại. “Các cuộc đàm phán vẫn là lựa chọn ưu tiên của chúng tôi, nhưng cần phải có sự sẵn lòng từ cả hai phía”, đại sứ cho biết. “Chúng tôi sẵn sàng tham khảo ý kiến và đàm phán với Mỹ, nhưng nếu bên kia làm mọi thứ đi sai hướng thì chúng tôi buộc phải đáp trả”.
Giới đầu tư bỏ qua nỗi lo về cuộc chiến thương mại và tập trung vào kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết sắp công bố với kỳ vọng tích cực.
Kết thúc phiên 4/4, chỉ số Dow Jones tăng 230,94 điểm (tương đương 0,96%), lên 24.264,30 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 30,24 điểm (tương đương 1,16%), lên 2.644,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 100,83 (khoảng 1,45%), lên 7.042,11 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính của khu vực này cũng lao mạnh ngay đầu phiên do lo ngại chiến tranh thương mại, nhưng về cuối phiên, khi thị trường chứng khoán Mỹ phục hồi, các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng biến động, trong đó chứng khoán Anh may mắn nhất khi vượt qua được ngưỡng tham chiếu.
Kết thúc phiên 4/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 3,55 điểm (tương đương 0,05%, lên 7.034,01 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 44,55 điểm (khoảng 0,37%), xuống 11.957,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 10,32 điểm (tương đương 0,20%), xuống 5.141,80 điểm.