Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán đỏ sàn: Tập trung quản trị rủi ro

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu tuần đến nay, các chỉ số trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liên tục lao dốc. Nhà đầu tư ngần ngại đứng ngoài thị trường, thanh khoản yếu. Đáng chú ý, khối ngoại vẫn giao dịch tiêu cực khi tăng bán ra.

Khách hàng theo dõi thông tin chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường đang bước vào giai đoạn biến động khó lường, nhà đầu tư nên tập trung quản trị rủi ro thay vì cố gắng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn.

Khối ngoại liên tục bán ra

Phiên giao dịch ngày 24/10, áp lực bán ra mạnh của phần lớn các cổ phiếu khiến các chỉ số giảm sâu. GAS và PVD đều bị kéo xuống mức giá sàn. PVS giảm 8,9% xuống 18.500 đồng/CP và khớp lệnh 6 triệu cổ phiếu. PLX giảm 3,8% xuống 55.800 đồng/CP. Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất chấp kết quả kinh doanh công bố là tích cực, cả ba mã ACB, VCB và MBB đều đảo chiều giảm trở lại vào cuối phiên, BID cũng giảm đến 6,6% xuống còn 32.600 đồng/CP và khớp lệnh 2,2 triệu cổ phiếu.
Chứng khoán châu Á chưa dứt nỗi lo bán tháo
Các cổ phiếu tại thị trường châu Á tiếp tục lao dốc trong hai phiên giao dịch vừa qua khi nhà đầu tư ngày càng lo ngại về tình trạng căng thẳng địa chính trị tại châu Âu và Trung Đông ngày càng leo thang.

Cổ phiếu bị bán mạnh khiến chứng khoán châu Á mất hết thành quả tăng điểm mạnh trong phiên cuối tuần trước. Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục sụt 0,5% trong ngày 24/10, qua đó nâng tổng mức giảm so với đỉnh ngày 26/1/2018 lên 20%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 0,3% trong khi chỉ số Thượng Hải Composite giảm 0,6%. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc sụt 0,25%, trong khi đó chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng mất 0,35%. (Nguyễn Phương)
Kết thúc phiên, VN-Index giảm 16,95 điểm (-1,8%) xuống 922,73 điểm. Toàn sàn có 92 mã tăng, 199 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index giảm 1,34 điểm (-1,27%) xuống 103,73 điểm. Toàn sàn có 70 mã tăng, 92 mã giảm và 53 mã đứng giá.

Đây là phiên thứ 3 liên tục tính từ đầu tuần VN-Index lao dốc. Dù giảm sâu nhưng thanh khoản thị trường vẫn chưa được cải thiện nhiều. Giá trị khớp lệnh 3 sàn phiên 24/10 chỉ đạt gần 3.700 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục xu hướng giao dịch có phần tiêu cực. Chốt phiên 24/10, khối này mua vào 11,5 triệu cổ phiếu, trị giá 419,7 tỷ đồng, trong khi bán ra 107,5 triệu cổ phiếu, trị giá 530 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 644.485 cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng đạt 110,4 tỷ đồng. Trên sàn HOSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 4 liên tiếp (tăng 86% so với phiên trước), tương ứng khối lượng bán ròng đạt 652.670 cổ phiếu. Như vậy, sau 4 phiên giao dịch vừa qua, khối ngoại sàn này đã bán ròng tổng cộng 479 tỷ đồng.

Thị trường đối diện nhiều rủi ro

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán trong nước, thị trường hiện đang bước vào giai đoạn biến động khó lường và nhà đầu tư nên tập trung quản trị rủi ro thay vì cố gắng tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Các ngưỡng hỗ trợ 920 điểm, 885 điểm đã được không ít công ty chứng khoán nhắc đến. Đại diện Công ty chứng khoán HSC dự báo, thị trường sẽ còn giảm nữa do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Từ nay đến cuối năm, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục giảm về vùng 800 điểm.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, TTCK cuối năm sẽ ghi nhận có nhiều yếu tố hỗ trợ, tuy nhiên cũng đối diện với nhiều yếu tố mang tính rủi ro hiện hữu. Theo nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), về mặt tích cực, các chỉ số vĩ mô của năm 2018 nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu Chính phủ đặt ra đầu năm sẽ có tác động lên thị trường. Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý III của các DN niêm yết sẽ tiếp tục có cải thiện, đặc biệt ở các nhóm ngành ngân hàng, dầu khí, dệt may và thủy sản. Tuy nhiên, Việt Nam trong 3 tháng cuối năm cũng đối diện nhiều yếu tố mang tính rủi ro như biến động của đồng USD, đồng NDT, rủi ro lạm phát khiến Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng. Bên cạnh đó, việc FED tăng lãi suất theo đúng lộ trình sẽ tiếp tục mang đến rủi ro cho đồng tiền các nước mới nổi, khiến ngân hàng T.Ư nhiều nước phải nâng lãi suất. Một mặt bằng lãi suất cao hơn ở nhiều nước đang được hình thành là một sức ép với mặt bằng lãi suất trong nước và lãi suất tăng thì luôn là thông tin không tích cực đối với TTCK.