Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Báo cáo việc làm tăng “nóng”, S&P 500 và Nasdaq cùng lao dốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên ngày 5/8 sau khi báo cáo việc làm tốt hơn nhiều so với dự báo làm gia tăng khả năng FED sẽ tiếp tục hành động quyết liệt trong chính sách tiền tệ.

Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên ngày 5/8. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên ngày 5/8. Ảnh: AP

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu và chốt phiên trong trạng thái tăng giảm đan xen do báo cáo việc làm tăng nóng khiến nhà đầu tư tranh luận về đường đi lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian tới.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 5/8, chỉ số Dow Jones cộng 76,65 điểm (tương đương 0,23%) lên mức 32.803,47 điểm. Tuy nhiên, tính chung trong tuần, chỉ số này vẫn giảm điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 mất 0,16%, về còn 4.145,19 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 0,50% xuống còn 12.657,56 điểm. Mặc dù mất điểm trong phiên cuối tuần, cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận sắc xanh trong tuần đầu tiên của tháng 8.

Đà giảm của S&P 500 và Nasdaq Composite đã được hạn chế phần nào nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong bối cảnh hy vọng FED sẽ mạnh tay nâng lãi suất. Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng giao dịch khởi sắc, song cổ phiếu của các công ty công nghệ vốn hóa lớn sụt giảm trong phiên này.

Thị trường lao động Mỹ tạo thêm được 528.000 việc làm mới trong tháng 7, vượt xa dự báo tăng 258.000 đơn vị của Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5% - mức thấp nhất trong 50 năm và thấp hơn dự báo giữ nguyên mức 3,6%. Tốc độ tăng trưởng thu nhập của người lao động cũng cao hơn dự báo khi tăng 0,5% trong tháng trước và 5,2% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu này cũng báo hiệu rằng Mỹ sẽ tiếp tục đối mặt áp lực lạm phát trong thời gian tới. 

Chứng khoán Mỹ đi xuống sau khi báo cáo này được công bố, dù nó giúp xoa dịu quan ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở trong tình trạng suy thoái. Tốc độ tăng trưởng việc làm trước đó được dự báo sẽ chậm lại trong bối cảnh FED siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, báo cáo mới nhất cho thấy thị trường lao động vẫn còn rất “nóng”, là tiền đề để FED tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp sắp tới. 

Chuyên gia trưởng về chiến lược thị trường Art Hogan tại B. Riley Financial nhân định: “Hy vọng của nhiều nhà đầu tư rằng FED sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong năm tới dường như đã bị xóa tan. Hiện tại, đây rõ ràng không phải là một nền kinh tế đang rơi vào suy thoái”.

Báo cáo việc làm tháng 7 là một trong hai căn cứ quan trọng mà FED sẽ đánh giá trước khi đưa ra quyết định mức tăng lãi suất trong kỳ họp vào ngày 20-21/9. Trên thực tế, giới đầu tư cũng đã sớm dự đoán quan điểm quyết liệt hơn của FED. Trước cuộc họp chính sách trong tháng 9 tới, FED sẽ nhận thêm một báo cáo việc làm tháng 8 và hai báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trước khi đưa ra quyết định cuối cùng của mình. 

“Đừng kỳ vọng FED sẽ sớm cắt giảm lãi suất, đặc biệt là sau khi đón nhận báo cáo việc làm trong tháng 7” - chuyên gia Michael Darda của MKM Partners lưu ý với CNBC.

Thị trường dự đoán FED sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong cuộc chính sách vào tháng 9 tới. “Nền kinh tế Mỹ đã có thêm 528.000 việc làm trong tháng 7, hơn gấp đôi so với dự báo. Với báo cáo việc làm tăng bùng nổ, tỷ lệ đặt cược của các quỹ tương lai của FED về đợt nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản của ngân hàng trung ương vào tháng 9 đã tăng từ 18% lên 72% trong ngày 5/8” - Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group cho biết.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall vừa ghi nhận tháng tăng điểm mạnh nhất từ năm 2020 trong tháng 7 vừa qua khi nhà đầu tư kỳ vọng FED sẽ sớm “đạp phanh” quá trình tăng lãi suất. Chỉ số S&P 500  đã tăng vọt 9,1% trong tháng 7. 

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trong phiên này vì dự báo FED tiếp tục nâng lãi suất với bước nhảy lớn. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn cả 2 năm và 10 năm cùng tăng, nhưng độ đảo ngược của đường cong lợi suất gia tăng tới mức cao nhất kể từ năm 2000.