Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ, châu Á ổn định chờ tin đàm phán thượng đỉnh Trump - Tập

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cổ phiếu châu Á ổn định trong phiên 25/6 khi nhà đầu tư hướng về cuộc họp quan trọng giữa Tổng thống Mỹ Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh G-20 trong tuần này.

Chứng khoán châu Á ổn định trước thềm hội nghị G20
Các nhà đầu tư cổ phiếu đang chờ đợi xem liệu có bất cứ điều gì sẽ đến từ các cuộc đàm phán thương mại Trung - Mỹ vào cuối tuần này.
Dự kiến Tổng thống Mỹ Donald Trump ​​sẽ gặp gỡ trực tiếp với ít nhất 8 nhà lãnh đạo thế giới tại hội nghị G20 ở Osaka, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
 Chứng khoán châu Á đi ngang trong phiên 25/6.
Chỉ số cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,09%. Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Nhật Bản và KOSPI của Hàn Quốc đi ngang trong phiên giao dịch này.
Chỉ số chứng khoán tương lai của S&P 500 nhích 0,08% sau một phiên giao dịch trái chiều trên sàn Phố Wall.
“Có không dưới 5 nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát biểu trong tuần trước, gồm Chủ tịch FED Jerome Powell, nói rằng họ sẽ gắn bó với thông điệp ôn hòa gần đây”- Kevin Cummins, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại NatWest
“Chúng tôi tin rằng vào cuối tháng 7 FED sẽ đưa ra quyết định hành động để chống lại rủi ro kinh tế và tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp, vì vậy chúng tôi dự báo ngân hàng sẽ cắt giảm 25 điểm cơ bản  tỷ lệ lãi suất tại cuộc họp của Ủy ban điều hành chính sách FED tiếp theo”.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm giá 4 phiên liên tiếp xuống mức thấp nhất trong 3 tháng còn 95,980 điểm.
So với đồng yen Nhật - kênh trú ẩn an toàn, tỷ giá đồng USD giảm mạnh xuống mức 107,33 yen.
Tỷ giá đồng euro đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng so với đồng USD, được giao dịch ở mức 1 euro đổi được 1,1403 USD.
Chứng khoán Mỹ trái chiều chờ tin đàm phán Mỹ - Trung
Trên sàn Phố Wall, chỉ số S&P 500 giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 24/6, khi nhà đầu tư thận trọng trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này.
Đà đi xuống của nhóm cổ phiếu y tế lấn át mức tăng điểm của cổ phiếu công nghệ đã khiến S&P 500 - thước đo rộng nhất của Phố Wall - kết thúc phiên trong sắc đỏ. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn đang ở rất gần mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập giữa tuần trước, nhờ được hỗ trợ bởi khả năng FED sớm hạ lãi suất.
Chỉ số Nasdaq cũng giảm điểm, trong khi nhóm cổ phiếu công nghiệp tăng với sự dẫn đầu của Boeing đã giúp chỉ số Dow Jones tăng nhẹ khi khép lại phiên giao dịch đầu tuần.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu đang hy vọng cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập sẽ đi đến một kết quả giúp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nhân tố gây suy giảm triển vọng kinh tế toàn cầu thời gian qua. Cuộc gặp thượng đỉnh này sẽ diễn ra bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào ngày 28 - 29/6.
  Chỉ số S&P 500 giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 24/6,
"Thị trường dường như khá yên ắng", Chủ tịch Bruce Monrad của Northeast Investros Trust nhận xét. "Mọi người vẫn đang nghiên cứu quan điểm của FED và chờ cuộc gặp ở G20, cũng như liệu cuộc gặp này có thể ảnh hưởng ra sao đến chính sách của FED trong thời gian tới".
Khả năng FED cắt giảm lãi suất trong tháng 7 "có vẻ như đã chắc chắn, nhưng ít nhiều vẫn phụ thuộc vào những gì xảy ra ở G20", ông Monrad nói.
Kết thúc phiên giao dịch, Dow Jones tăng 0,03%, đạt 26.727,54 điểm. S&P 500 giảm 0,17%, còn 2.945,35 điểm. Nasdaq giảm 0,32%, còn 8.005,7 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 6 nhóm giảm điểm phiên này. Trong đó mức giảm mạnh nhất thuộc về cổ phiếu năng lượng do giá dầu đi xuống.
Trong cuộc tranh cãi mới nhất liên quan đến tranh chấp thương mại giữa Bắc Kinh và Bắc Kinh, hãng vận tải và giao nhận Mỹ FedEx lên tiếng xin lỗi vì đã chuyển nhầm gói hàng là một chiếc điện thoại Huawei về địa chỉ của người gửi. Tháng trước, FedEx đã chuyển hướng nhầm một số gói hàng của công ty công nghệ Trung Quốc này./.