Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán mạnh, Nasdaq lao dốc 2,5%

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều khi lợi suất trái phiếu chính phủ leo thang làm giảm sức hấp dẫn của các cổ phiếu tăng trưởng, dẫn đầu là nhóm cổ phiếu công nghệ.

Chốt phiên giao dịch ngày 22/2, chỉ số S&P 500 sụt 0,8% xuống 3.876,50 điểm trong phiên giao dịch biến động, ghi nhận giảm phiên thứ 5 liên tiếp trong bối cảnh lĩnh vực công nghệ và hàng tiêu dùng không thiết yếu lao dốc.
Chỉ số Nasdaq Composite hạ 2,5% về mức 13.533,05 điểm khi cổ phiếu Tesla giảm mạnh tới 8.6%. Nhóm cổ phiếu công nghệ lớn chịu sức ép với cổ phiếu Apple, Amazon và Microsoft đều sụt ít nhất 2%.
 Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong phiên 22/2.
Trong khi, chỉ số Dow Jones đảo chiều từ đà giảm 200 điểm để chốt phiên giao dịch tăng 27.37 điểm (khoảng 0,1%) lên mức 31.521,69 điểm. Đà tăng của một số cổ phiếu nhạy cảm với phục hồi kinh tế đã giúp chỉ số Dow Jones khởi sắc.
Trong phiên giao dịch đầu tuần, cổ phiếu Disney nhảy vọt 4,4%, trong khi cổ phiếu gã khổng lồ công nghiệp Caterpillar và công ty hóa chất Dow Inc. đều tăng hơn 3.5%. Cổ phiếu American Express và Chevron lần lượt cộng 3,2% và 2,7%.
Cổ phiếu dầu khí giao dịch khởi sắc khi giá dầu thô Brent tăng 3,7% và vượt ngưỡng 65 USD/thùng, và giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng cộng 3,8% lên trên 61 USD/thùng. 
Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo, giá dầu Brent có thể sớm vượt 75 USD/thùng trong vài tháng tới vì nhu cầu vượt cung khi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ.
Các cổ phiếu hàng không tăng mạnh sau khi được ngân hàng Deutsche Bank nâng mức khuyến nghị thành Mua. American Airlines nhảy vọt 9%, United Airlines và Southwest Airlines cũng nhích lần lượt 4,5% và 3,8%.
Một số nhà đầu tư trên thị trường Phố Wall ngày càng lo ngại về sự gia tăng nhanh chóng của lợi suất trái phiếu Mỹ trong thời gian gần đây, làm giảm sức hấp dẫn tương đối của cổ phiếu.
Những cổ phiếu công nghệ tương tự này cũng đã phát triển mạnh trong thời gian đại dịch Covid-19, vì thế một số nhà đầu tư có thể đang chốt lời và chuyển sang những cổ phiếu sẽ hoạt động tốt trong quá trình phục hồi kinh tế.
Trong phiên giao dịch ngày 22/2, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng 1,35% sau khi cộng 14 điểm cơ sở trong tuần trước, đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2020. Từ đầu tháng đến nay, lợi suất chuẩn đã vọt 27 điểm cơ sở. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm chạm đỉnh 1 năm là 2,2% vào ngày thứ Hai.
Ông Matt Maley - Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty tư vấn đầu tư Miller Tabak nhận định: "Giới đầu tư nên theo dõi chặt chẽ biến động của lợi suất trái phiếu. Lợi suất kỳ hạn dài đang quá thấp so với mức trung bình lịch sử, nhưng chúng tôi cho rằng điều này sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới thị trường Phố Wall, kể cả khi lợi suất có thể không tăng quá mạnh như nhiều người dự đoán".
Thị trường đang chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tại phiên điều trần định kỳ nửa năm về nền kinh tế trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện vào ngày 23/2. 
Những nhận định của Chủ tịch FED về lãi suất và lạm phát có thể xác định xu hướng thị trường trong tuần.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde hôm 22/2 cho biết, ngân hàng này đang “theo dõi chặt chẽ diễn biến của lợi suất trái phiếu danh nghĩa dài hạn”. Lợi suất trái phiếu chính phủ châu Âu đã giảm xuống thấp hơn trước nhận định của bà Lagarde.
Một số nhà đầu tư lại cho rằng việc lợi suất trái phiếu tăng lên là dấu hiệu cho thấy tâm lý tin tưởng vào đà hồi phục kinh tế, và các doanh nghiệp với lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ có thể chịu đựng được lãi suất cao hơn.
Ông Keith Lerner, Giám đốc chiến lược thị trường tại ngân hàng Truist cho biết: "Chúng tôi không đánh giá lợi suất tăng là mối đe dọa đối với thị trường giá lên hiện tại. Nền kinh tế đang ở giai đoạn đầu của đợt phục hồi, chính sách tài khóa đều đang hỗ trợ, lợi nhuận doanh nghiệp phục hồi mạnh, vì vậy chúng tôi cho rằng thị trường cổ phiếu tiếp tục được hỗ trợ trong thời gian tới”./.