Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, giao dịch chứng khoán Mỹ trong tháng 10 có thể sẽ rất vất vả và có nguy cơ đi xuống, bởi các số liệu vĩ mô được công bố trong tháng này có khả năng sẽ tiếp tục cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế đầu tàu thế giới.
Tuy nhiên, cũng có không ít chuyên gia lại nhận định, mặc dù thị trường có suy giảm song mức độ không quá nghiêm trọng bởi các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới sẽ tiếp tục bơm tiền để giải cứu nền kinh tế của nước họ, từ đó mang lại lạc quan chung.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Tác động của chỉ số quản lý thu mua (ISM) tại Mỹ (tăng từ 49,6 tháng 8 lên 51,5 tháng 9/2012) đối với chứng khoán Phố Wall không kéo dài.
Bằng chứng là đến cuối phiên 1/10, một trong ba chỉ số chủ chốt là chỉ số công nghệ cao Nasdaq đã quay đầu đi xuống, khiến cổ phiếu của Apple giảm 1,2%.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones Industrial Average chỉ còn tăng 77,98 điểm lên 13.515,11 điểm, trong đó tăng mạnh nhất là các cổ phiếu tài chính như của Goldman Sachs, AIG, JPMorgan Chase và Bank of America.
Ngược dòng với Dow Jones và S&P 500, chỉ số Nasdaq Composite hạ 2,7 điểm, tương ứng 0,09%, xuống còn 3.113,53 điểm. Tuy nhiên, sự đi xuống của Nasdaq không quá đáng ngại, và chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn trên thị trường chốt phiên trên 16 điểm.
Nguyên nhân chính giúp ngăn chặn đà đi xuống của Nasdaq là một báo cáo cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ đã tăng trưởng lần đầu tiên kể từ tháng 5. Chỉ số ISM đã tăng lên 51,5 điểm trong tháng 9, từ mức 49,6 điểm trong tháng 8 trước đó, vượt qua dự báo.
Một yếu tố khác cũng góp phần làm giảm nhẹ những xáo trộn của thị trường là bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Ben Bernanke tại Câu lạc bộ kinh tế Indiana. Tại đây, ông Bernanke đã bênh vực chương trình nới lỏng định lượng 3 là rất cần thiết.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cũng vừa bước qua phiên đầu tháng tích cực, với việc các chỉ số chủ chốt đều lên điểm. Tuy nhiên, mối ưu tư về tình hình Tây Ban Nha đang hiện hữu, khiến nhà đầu tư chưa thể yên tâm về thị trường chứng khoán khu vực.
Kết thúc phiên 1/10 tại London, chỉ số FTSE 100 tăng 1,37% lên 5.820,45 điểm, trong khi tại Frankfurt và Paris, các chỉ số DAX 30 và CAC 40 lần lượt tăng 1,53% và 2,39% lên 7.326,73 điểm và 3.434,98 điểm. Tại Madrid, chỉ số IBEX 35 cũng tăng 0,98% lên 7.784,10 điểm.
Theo giới phân tích, chứng khoán châu Âu lên điểm một phần là nhờ thông báo đầu tuần này về việc Tập đoàn khai mỏ Xstrata của Thụy Sĩ và Tập đoàn kinh doanh hàng hóa Glencore đã đồng ý sáp nhập để hình thành một công ty kinh doanh hàng hóa và kim loại lớn nhất thế giới với giá trị vào khoảng 90 tỷ USD.
Tiếp đà đi lên phiên đầu tháng từ Phố Wall và châu Âu, chứng khoán Nhật Bản cũng được đẩy lên khi bắt đầu phiên giao dịch 2/10. Chỉ vài phút sau khi mở cửa phiên này tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 34,17 điểm lên 8.830,68 điểm./.