Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 20/9 trong bối cảnh nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu khi nhiều rủi ro xuất hiện trên thị trường.
Chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số S&P 500 giảm 1,7% xuống 4.357,73 điểm, chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 12/5/2021. Đây là đợt bán tháo trên diện rộng của chỉ số này khi mỗi ngành trong số 11 ngành chính đều ghi nhận sắc đỏ. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones lao dốc 614,41 điểm, tương đương 1,8%, về mức 33.970,47 điểm, cũng là phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 19/7/2021. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 2,2%, xuống còn 14.713,90 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones đã thu hẹp đà giảm kỷ lục khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/9. Chỉ số này có thời điểm trong phiên đã “bốc hơi” 971 điểm.
Theo CNBC, 5 nguyên nhân của phiên bán tháo đầu tuần này bao gồm:
Thứ nhất, nhà đầu tư lo ngại nguy cơ rủi ro từ thị trường bất động sản lan truyền ra thị trường tài chính toàn cầu. Chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) đã lao dốc mạnh trong ngày 20/9. Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số Hang Seng giảm 4% khi China Evergrande – tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc trên bờ vực vỡ nợ.
Các cơ quan quản lý cảnh báo khoản nợ 305 tỷ USD của China Evergrande có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho hệ thống tài chính của Trung Quốc nếu các khoản nợ của nước này không được ổn định. Trên sàn chứng khoán Hồng Kông giảm 10,2% trong phiên ngày 20/9.
Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo cú sụp đổ của Evergrande có thể trở thành “khoảnh khắc Lehman” của Trung Quốc, ám chỉ sự kiện phá sản của Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn, vốn là yếu tố châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách từ ngày 21-22/9, và nhà đầu tư lo ngại rằng Fed sẽ thông báo thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát bắt đầu tăng và thị trường việc làm dần cải thiện.
Thứ ba, số ca mắc Covid-19 hàng ngày tại Mỹ tăng đột biến trở lại do biến thể Delta lây lan và hiện đang cao ngang mức cuối tháng 1/2021.
Thứ tư, theo dữ liệu lịch sử, tháng 9 là thời điểm mà sàn Phố Wall diễn biến tiêu cực nhất trong năm và thường giảm mạnh nhất trong 2 tuần cuối.
Thứ năm, giới nhà đầu tư còn bất an về sự bất đồng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Washington khi sát đến hạn chót để nâng trần nợ công. Quốc hội đang nỗ lực tìm cách thông qua một dự luật chi tiêu để tránh cảnh chính phủ phải đóng cửa.
Đợt bán tháo trong ngày thứ Hai khiến chỉ số S&P 500 sụt 5% so với mức đỉnh. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lao vào bắt đáy đã giúp thị trường thu hẹp đà sụt giảm về cuối phiên. S&P 500 đóng cửa thấp hơn chỉ 4,1% so với đỉnh thiết lập hôm 2/9. Tính từ tháng 10/2020 đến nay, S&P 500 chưa từng chứng kiến đợt giảm nào quá 5%, tính theo giá đóng cửa.
Một số nhà đầu tư cho rằng phiên giảm điểm trong ngày 20/9 không phải là bất thường trong nửa cuối tháng 9 hàng năm. “Các yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường trong phiên hôm nay cũng giống như tuần trước: lo ngại về cuộc khủng hoảng của tập đoàn bất động sản Trung Quốc China Evergrande, dịch Covid-19, Fed cắt giảm chính sách hỗ trợ tiền tệ và tăng thuế của chính phủ” - Tom Essaye, người sáng lập Sevens Report, lưu ý.
Các cổ phiếu nhạy cảm với tăng trưởng toàn cầu dẫn đầu làn sóng bán tháo trong phiên giao dịch. Cổ phiếu Ford giảm hơn 5%. Cổ phiếu General Motors và Boeing lần lượt hạ 3, 8,% và 1, 8%, còn cổ phiếu Nucor sụt tới 7,6%.
Nhóm cổ phiếu năng lượng cũng giảm khi giá dầu WTI mất gần 2% do lo ngại về nền kinh tế toàn cầu. Lĩnh vực năng lượng hạ 3%, trở thành lĩnh vực có thành quả kém nhất trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500.
Giá trái phiếu tăng khi nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn. Động thái này đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm mất 6 điểm cơ bản còn 1.31%.
Cổ phiếu của các ngân hàng lớn bị ảnh hưởng khi lãi suất đi xuống có thể khiến lợi nhuận giảm. Bank of America và JPMorgan Chase lần lượt hạ 3,4% và 3%./.