Đợt bán tháo do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến Phố Wall chạm mức đáy mới trong phiên 11/3, khi thị trường vật lộn với sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 cũng như sự không chắc chắn về các gói kích thích để ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng kinh tế từ dịch bệnh.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/3, chỉ số Dow Jones mất 1.464,94 điểm (tương đương 5,9%) xuống 23.553,22 điểm. Chỉ số này đã rơi vào “thị trường gấu”, tức lao dốc hơn 20% so với mức đóng cửa cao kỷ lục được xác lập hồi tháng trước và chấm dứt đà leo dốc từ năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 4,9% xuống 2.741,38 điểm và sắp tiến sát “thị trường gấu”. Chỉ số Nasdaq Composite hạ 4,7% còn 7.952,05 điểm và cũng trượt sâu 19% so với mức cao mọi thời đại. Đà lao dốc 20% được xem là “thị trường gấu” trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Jerry Braakman - giám đốc đầu tư của First American Trust, nhận xét: “Chúng tôi có thể nhận thấy sự hoảng loạn trên thị trường chứng khoán. Câu hỏi lớn đối với hầu hết nhà đầu tư là liệu thị trường đã chạm đáy chưa? Theo tôi, thị trường đang sát tới mức này”.
Đà giảm kỷ lục trong phiên này được nới rộng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố dịch Covid-19 chính thức là đại dịch toàn cầu. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới là hơn 100.000 người, dựa theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Riêng Mỹ hiện đã có hơn 1.000 người nhiễm bệnh Covid-19. Việc số ca nhiễm mới virus chết người tăng nhanh làm gia tăng lo ngại về đà suy giảm kinh tế toàn cầu cũng như đòi hỏi sự can thiệp của Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 10/3 đã công bố mức thuế suất 0% có thể kéo dài đến cuối năm nay. Tuy nhiên, thời điểm của các chính sách như vậy được thực hiện vẫn chưa chắc chắn. Thượng nghị sĩ Chuck Grassley, lãnh đạo Ủy ban Tài chính Thượng viện, cho biết việc cắt giảm thuế như vậy cần phải được xem xét.
“Dường như thị trường thất vọng vì Nhà Trắng không công bố chi tiết giải pháp về tài chính đối phó tác động của dịch Covid-19”, nhà phân tích chính sách Mỹ Brian Gardner tại KBW nhận định. Thị trường còn phải chờ đợi trong thời gian tới để các nhà hoạch định chính sách cân nhắc các phương án hỗ trợ và việc đàm phán giữa Quốc hội với chính quyền.
Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương khác cũng đã hành động để kìm hãm đà suy giảm tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm 11/3 đã hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 0,25%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng tăng lượng tiền cung cấp cho các ngân hàng thông qua việc cho vay qua đêm lên tới 175 tỷ USD. Động thái này được đưa ra sau khi FED hạ lãi suất khẩn cấp hồi tuần trước.
Sự không chắc chắn xung quanh các gói kích thích tài khóa, cùng với việc hạn chế đi lại và gia tăng số ca nhiễm bệnh Covid-19, đã gây sức ép lên các cổ phiếu hàng không và du thuyền. Cổ phiếu American, Delta, United và JetBlue đều giảm ít nhất 4,3%. Cổ phiếu Norwegian Cruise Line và Carnival lần lượt lao dốc 26,7% và 9,5%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng nhuốm sắc đỏ trong phiên giao dịch. Cổ phiếu Bank of America và JPMorgan Chase lần lượt hạ 4% và 4,7%. Cổ phiếu Citigroup sụt 8,6%, trong khi cổ phiếu Morgan Stanley và Goldman Sachs đều mất hơn 6,5%.