Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Gạt bỏ dữ liệu kinh tế tiêu cực, Nasdaq lập đỉnh mới

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nasdaq Composite tăng vọt lên hơn 11.000 điểm, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử mặc dù thị trường đón nhận số liệu kinh tế không khả quan.

Các chỉ số của chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên 17/8 trước các số liệu kinh tế tiêu cực và giới đầu tư còn lo ngại về triển vọng gói cứu trợ mới đối phó dịch Covid-19.
Trong phiên giao dịch này, Dow Jones đảo chiều giảm nhẹ do áp lực từ nhóm cổ phiếu công nghiệp và tài chính, trong khi nhóm cổ phiếu công nghệ với sự dẫn dắt của hãng sản xuất chip Nvidia đã kéo Nasdaq vượt qua đỉnh lịch sử. Trong khi đó, S&P 500 cũng tiến sát mốc đỉnh cao lịch sử thiết lập hôm 19/2/2020.
Nasdaq Composite tăng vọt lên hơn 11.000 điểm, ghi nhận mức cao nhất trong lịch sử trong phiên 17/8.
Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite bùng nổ trong phiên đầu tuần bất chấp các dữ liệu kinh tế được công bố tiêu cực như doanh số bán lẻ của Trung Quốc và của Mỹ trong tháng 7 không như kỳ vong, trong khi GDP quý II của Nhật Bản có mức giảm lịch sử kể từ khi dữ liệu này được tính toán từ năm 1980.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 tăng 0,3% lên 3.381,99 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite nhảy vọt 1%, lập đỉnh mới 11.129,73 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Dow Jones ngược chiều trên sàn Phố Wall đóng cửa mất 85 điểm, tương đương 0,3%, kết phiên ở 27.844,91 điểm.
Cổ phiếu Alphabet và Microsoft đều tăng ít nhất 0,7%, giúp Nasdaq Composite lên mức cao kỷ lục. Amazon tăng 1,1% sau khi Reuters cho biết gã khổng lồ thương mại điện tử muốn mua cổ phần Rackspace Technology. Cổ phiếu của hãng công nghệ điện toán đám mây này cũng tăng hơn 10%.
Trong S&P 500, nhóm tiêu dùng có kết quả tích cực nhất khi chỉ số chung của nhóm này tăng 1,2%.
Chỉ số S&P 500 hiện chỉ còn cách 4 điểm so với mức đỉnh xác lập ngày 19/2/2020 với hơn 3.386 điểm.
"S&P 500 đang trong vùng quá mua và đà phục hồi mạnh đang gặp ngưỡng kháng cự mạnh", Ari Wald - trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật tại Oppenheimer, nhận xét. Tuy nhiên, chuyên gia Wald cho rằng nếu thị trường tiếp tục trụ vững ở vùng này, khả năng chỉ số sẽ tiếp tục tiến xa.
Nỗ lực phục hồi mức đỉnh kỷ lục của S&P 500 diễn ra khi khối lượng giao dịch ngày càng giảm. Trong phiên đầu tuần, quỹ SPDR S&P 500 ETF Trust chỉ giao dịch hơn 31 triệu cổ phiếu, thấp hơn rất nhiều so với bình quân 30 ngày gần 62 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư trở nên bất an trước tình trạng đàm phán bế tắc đối với gói cứu trợ mới và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ đều có quan điểm bất đồng. Đảng Dân chủ đề xuất gửi hơn 900 tỷ USD cho các bang và thành phố trong một dự luật. Trong khi đó, ngược lại, đảng Cộng hòa muốn khoản hỗ trợ không bao gồm bất kỳ viện trợ bổ sung nào cho các bang và chính quyền địa phương.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 16/8 cho biết bà sẽ gọi Hạ viện quay trở lại Washington để giải quyết vấn đề tài trợ cho Dịch vụ Bưu điện Mỹ nhằm phục vụ cho cuộc bầu cử tổng thống.
Trong khi đó, hôm 14/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Tôi sẵn sàng hỗ trợ nhiều tiền hơn đến các bang và chính quyền địa phương để giữ việc làm cho cảnh sát, lính cứu hỏa, và giáo viên. Đảng Dân chủ chỉ đang cố trì hoãn điều này!".
Liz Ann Sonders - Giám đốc chiến lược đầu tư tại Charles Schwab, cho rằng việc chưa chắc chắn đạt thỏa thuận về gói kích kinh tế đối phó dịch Covid-19 đang gây tâm lý lo ngại trên thị trường Phố Wall. Liên quan đến quan hệ thương mại với Trung Quốc, Tổng thống  Trump hôm 14/8 ký lệnh hành pháp buộc ByteDance phải bán hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ trong 90 ngày. Ông Trump trích dẫn "bằng chứng đáng tin cậy" rằng ByteDance "có thể thực hiện hành động làm suy yếu an ninh quốc gia Mỹ".