Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ giảm sốc trong tháng 9, Dow Jones “bay” hơn 500 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ ghi nhận một tuần, tháng và quý giao dịch tồi tệ, với Dow Jones lao dốc gần 9% trong tháng 9 khi số liệu mới nhất cho thấy lạm phát vẫn chưa hạ nhiệt.

Cả ba chỉ số trên sàn Phố Wall đều giảm mạnh trong tháng 9. Ảnh: AP
Cả ba chỉ số trên sàn Phố Wall đều giảm mạnh trong tháng 9. Ảnh: AP

Theo CNBC, chỉ số Dow Jones lần đầu tiên chạm dưới ngưỡng 29.000 điểm kể từ tháng 11/2020. Chốt phiên giao dịch ngày 30/9, chỉ số này đã giảm 500,10 điểm (tương ứng 1,71%) về còn 28.725,51 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 1,51% và khép phiên ở mức 10.575,62 điểm.

Trong khi đó, S&P 500 hạ 1,51% xuống 3.585,62 điểm và chứng kiến  tháng giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020.

Tính chung trong tuần qua, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm sâu. Cụ thể, chỉ số S&P 500 trượt 2,9%, Dow Jones giảm 2,9%, và Nasdaq Composite rớt 2,7%.

Ngày thứ Sáu cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9. Xét trong cả tháng 9, cả ba chỉ số trên sàn Phố Wall đều thiệt hại nặng nề. S&P 500 lao dốc 9,3% và đánh dấu tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ. Chỉ số Dow Jones cũng mất tới 8,8%. Nasdaq Composite cũng sụt 10,5% do cổ phiếu công nghệ cắm đầu khi lợi suất trái phiếu lên cao.

Tính cả quý III, S&P 500 mất 5,3%, Nasdaq Composite và Dow Jones lần lượt giảm 4,1% và 6,7%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009 chỉ số  S&P 500 và Nasdaq giảm ba quý liên tiếp. Dow Jones cũng vừa ghi nhận quý giảm điểm dài nhất kể từ năm 2015.

Chuyên gia Zachary Hill, Giám đốc quản lý danh mục tại Horizon Investments, nhận định: “Thị trường cổ phiếu và trái phiếu đều đang chịu sức ép từ việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đúng như dự báo của chúng tôi, đó là Fed sẽ phải giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, và thị trường cũng đang dần công nhận quan điểm này”.

Ông Hill lưu ý thêm rằng, trong ngắn hạn, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục biến động với xu hướng chủ đạo là đi xuống khi chuẩn bị bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý III.

Chứng khoán Mỹ chìm sâu vào xu hướng giảm điểm trong năm 2022 khi Fed liên tục tăng lãi suất nhằm sớm kiểm soát lạm phát. Ngoài ba quý giảm điểm liên tiếp, mức độ giảm trong 9 tháng đầu năm nay thuộc hàng cao nhất kể từ năm 2002, theo Dow Jones Market Data. 

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall rung lắc mạnh trong phiên giao dịch ngày 30/9 trong bối cảnh xuất hiện thêm bằng chứng cho thấy lạm phát vẫn có dấu hiệu đi xuống dù Fed đã nhiều lần tăng lãi suất tính từ đầu năm nay.

Theo số liệu do Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) công bố ngày 30/9, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) không bao gồm năng lượng và thực phẩm trong tháng 8 tăng 0,6% so với tháng trước đó. Số liệu này cao hơn dự báo tăng 0,5% của Dow Jones. Tính vắt năm, PCE cơ bản tăng 4,9%, cao hơn mức tăng 4,7% trong tháng trước đó. 

Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard ngày 30/9 tiếp tục khẳng định quyết tâm của ngân hàng trung ương Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát, đồng thời cho biết Fed cam kết không “bỏ cuộc quá sớm” trong quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ. 

Cổ phiếu Nike giảm mạnh 12,8% sau khi công bố doanh thu tăng nhưng các vấn đề về chuỗi cung ứng và hàng tồn kho đã ảnh hưởng tới lợi nhuận trong quý I vừa qua.

Ông Marko Kolanovic - Giám đốc chiến lược phái sinh và định lượng vĩ mô của JPMorgan Chase, cũng là một người hay có cái nhìn lạc quan về thị trường. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến đợt lao dốc mạnh trong những phiên gần đây lao dốc liên tiếp, ông Kolanovic  thừa nhận thị trường chứng khoán đang đối mặt nhiều rủi ro trong những tháng còn lại của năm 2022.

Chuyên gia Kolanovic chia sẻ: “Sự gia tăng gần đây nhất của các rủi ro địa chính trị và chính sách tiền tệ đã khiến cho các mục tiêu năm 2022 của chúng tôi có nguy cơ không thể đạt được. Chúng tôi vẫn lạc quan hơn so với trung bình thị trường, song các mục tiêu này có thể sẽ chỉ đạt được trong năm 2023 hoặc khi các rủi ro kể trên giảm bớt".