Chứng khoán Mỹ: Giới đầu tư mạnh tay xuống tiền, S&P 500 lại lập kỷ lục

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục thăng hoa, với Dow Jones tăng 450 điểm, S&P 500 leo dốc phiên thứ 9 liên tiếp và lập kỷ lục mới.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall giao dịch khởi sắc trong phiên 2/9 trong bối cảnh giới đầu tư chốt lời từ các cổ phiếu tăng nóng trong thời gian gần đây như Apple và Tesla, và dồn tiền cho những nhóm cổ phiếu đang bị đánh giá thấp hơn trên thị trường.
Chốt phiên giao dịch ngày 2/9, chỉ số Dow Jones nhảy vọt 454,84 điểm (tương đương 1,6%) lên 29.100,50 điểm, đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này vượt mốc 29.000 điểm kể từ tháng 2. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng nhích 1,5% lên 3.580,84 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite cộng 1% lên 12.056,44 điểm.
 Chứng khoán Mỹ tiếp tục thăng hoa trong phiên 2/9, với S&P 500 và Nasdaq Composite đều lập kỷ lục mới.
Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều lập kỷ lục mới trong phiên giao dịch này, trong đó Nasdaq Composite vượt ngưỡng 12.000 điểm lần đầu tiên. Dow Jones chứng kiến phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 14/7/2020. S&P 500 cũng ghi nhận phiên có thành quả tốt nhất kể từ ngày 6/7/2020.
Cổ phiếu hãng Coca-Cola và hóa chất Dow Inc đều tăng hơn 4%, dẫn đầu đà leo dốc của chỉ số Dow Jones. Hãng máy tính IBM tăng hơn 3%. Tuy nhiên các cổ phiếu này vẫn còn thấp hơn so với mức giá đầu năm.
Apple và Tesla sụt lần lượt 2,1% và 5,8%, đánh mất một phần mức tăng bùng nổ trong những phiên vừa qua. Ngày 31/8, hai cổ phiếu này chính thức chia tách cổ phiếu để làm giảm giá trên mỗi đơn vị và trở nên vừa túi tiền nhà đầu tư nhỏ lẻ hơn.
Chứng chỉ quỹ cổ phiếu giá trị iShares Russell 1000 Value ETF (IWD) tăng 1,6%, vượt xa mức tăng 1% của chứng chỉ quỹ cổ phiếu tăng trưởng tương ứng.
Theo chuyên gia Mike Bailey - Giám đốc nghiên cứu tại FBB Capital Partners, cổ phiếu bán dẫn đang diễn biến tích cực hơn nhóm cổ phiếu phần mềm.
Ông Bailey cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang đảo danh mục. "Chúng tôi nhận thấy bên mua đang tìm kiếm sự tăng trưởng bền vững hơn nhưng không muốn trả mức định giá quá cao của nhóm công nghệ có giá trị vốn hóa lớn hiện nay", ông Bailey cho hay.
Chứng khoán Mỹ đã ghi nhận một phiên nổi bật, trong đó S&P 500 chứng kiến phiên giao dịch đầu tiên của tháng 9 khởi sắc nhất kể từ năm 2010, theo dữ liệu từ Bespoke Investment Group.
Ông Mike Wilson, giám đốc chiến lược cổ phiếu Mỹ của Morgan Stanley hôm 1/9 lưu ý rằng ông đánh giá lạc quan về thị trường cổ phiếu trong dài hạn, tuy nhiên sàn Phố Wall có thể rung lắc nhẹ trong những tuần tới sau một đợt tăng bùng nổ trong những tuần gần đây.
Đà phục hồi mạnh của chứng khoán Mỹ sau khi chạm đáy hồi tháng 3 phần lớn là nhờ sự hỗ trợ từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Nhà đầu tư vẫn đang phân tích thông báo thay đổi chính sách tuần trước của FED.
Báo cáo Beige Book do cơ quan này mới công bố cho thấy hoạt động của doanh nghiệp Mỹ và tình hình việc làm có cải thiện nhẹ trong tháng 8. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế tại nhiều nơi còn chậm chạp.
Về dữ liệu kinh tế, ADP ngày 2/9 cho biết khu vực tư nhân tại Mỹ đã tạo ra thêm 428.000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn rất nhiều so với dự báo thêm 1.17 triệu việc làm từ các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones. Nhà đầu tư hiện chờ báo cáo việc của Bộ Lao động Mỹ, dự kiến công bố ngày mai.
Peter Boockvar - giám đốc đầu tư tại Bleakley Advisory Group, cho biết tốc độ tuyển dụng việc làm “đã thực sự chậm lại trong 2 tháng qua khi mức trung bình chỉ là 320.000 người”. “Báo cáo việc làm  của chính phủ Mỹ sẽ cho thấy sự chững lại từ tháng 7 sang tháng 8. Vì vậy, Quốc hội Mỹ cần đạt thỏa thuận về gói hỗ trợ tiếp theo”- chuyên gia Boockvar nhận xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần