Thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục nhẹ, do một lượng lớn nhà đầu tư quay trở lại thị trường sau khi các chỉ số giảm mạnh trong tuần trước và việc giá cổ phiếu của tập đoàn Microsoft đột ngột tăng cao.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 19,66 điểm, tương đương 0,14%, lên 14.567,17 điểm.
Chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 7,25 điểm (0,47%), lên 1.562,50 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq tiến 27,5 điểm (0,86%), đóng cửa ở mức 3.233,55 điểm.
Trong phiên này, các nhóm cổ phiếu năng lượng và nguyên vật liệu đều tăng khá tốt. Chỉ số S&P 500 lĩnh vực năng lượng tăng được 1%, chỉ số S&P 500 nguyên vật liệu cũng tăng 1%, chỉ số S&P công nghệ tăng 0,9%.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo số liệu của Thomson Reuters, căn cứ vào kết quả kinh doanh quý 1 đã có 21% công ty thuộc chỉ số S&P 500 công bố kết quả, cùng những dự báo tình hình kinh doanh của số doanh nghiệp còn lại, thì tăng trưởng lợi nhuận quý đầu năm 2013 của các công ty S&P 500 dự kiến là 2,2%, cao hơn so với ước tính tăng trưởng 1,5% đưa ra hồi đầu tháng 4 này.
Phiên hôm qua, khối lượng giao dịch toàn thị trường lùi về mức thấp, khi có khoảng 5,6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn nhiều so với mức trung bình hàng ngày 6,4 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay. Số cổ phiếu tăng điểm vượt trội so với số giảm điểm trên sàn New York với tỷ lệ 17/12, sàn Nasdaq là 13/12.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại biến động không đồng nhất, do tâm lý của giới đầu tư bị giằng co giữa một bên là những lo ngại về "sức khỏe" kinh tế toàn cầu, đặc biệt là bất ổn tài chính tại châu Âu, còn một bên là tín hiệu tích cực báo hiệu tình trạng bế tắc chính trị tại Italy đang dần được phá vỡ. Kết thúc phiên này tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh hạ nhẹ 0,09%, xuống 6.280,62 điểm.
Trong khi đó, tại thị trường Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp gần như không biến động so với phiên trước đó, đứng ở mức 3.652,13 điểm; còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 lại “nhích” 0,24%, chốt ở mức 7.478,11 điểm.
Sang tới phiên giao dịch ngày 23/4 tại thị trường châu Á, hầu hết các sàn chứng khoán đều đảo chiều đi xuống, sau khi ghi nhận các mức tăng ấn tượng vào phiên trước nhờ kết quả tích cực của Hội nghị nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 22,77 điểm, tương đương 0,17%, xuống 13.545,60 điểm, do sự mạnh lên của đồng yen.
Bất chấp diễn biến lạc quan của Phố Wall trong đêm trước, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong vẫn đua nhau "đỏ sàn," giữa lúc giới đầu tư đang thận trọng chờ đợi báo cáo sơ bộ về hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng Tư này.
Đầu phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt lùi 2,14 điểm (0,1%) và 49,9 điểm 0,23%), xuống 2.240,03 điểm và 21.994,47 điểm.