Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số Nasdaq Composite sụt 1,18% xuống còn 14.592,21 điểm, chứng kiến 4 phiên giảm liên tiếp. Chỉ số S&P 500 mất 0,8% về mức 4.704,81 điểm. Chỉ số Dow Jones giảm 284,85 điểm, tương đương 0,76%, xuống 37.430,19 điểm.
Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm 2024, chỉ số Nasdaq Composite đã có ngày giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 10/2023, khi nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đồng loạt bị bán tháo. Trong đó, cổ phiếu Apple mất gần 4% sau khi bị ngân hàng Barclays giảm khuyến nghị nắm giữ. Sang phiên ngày thứ Tư, cổ phiếu Apple giảm thêm 0,8%.
Giới đầu tư Phố Wall dường như đang tiến hành chốt lời với cổ phiếu công nghệ sau đợt tăng mạnh mẽ gần đây – chủ yếu nhờ vào kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm nới lỏng chính sách và giảm mạnh lãi suất trong năm 2024.
Tuy nhiên, trong bối cảnh không ai biết chắc về thời điểm Fed bắt đầu hạ lãi suất, các nhà đầu tư đã phải kiềm chế sự hứng khởi của mình.
Nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao Steve Eisman tại Neuberger Berman, nhận định: “Trong dài hạn, tôi vẫn rất lạc quan, nhưng có lẽ mọi người đang bước qua năm mới với tâm trạng lạc quan quá mức”.
Theo ông Eisman, các đợt điều chỉnh ngắn hạn là bình thường trên một thị trường vừa thiết lập những mức đỉnh mới. Vị chuyên gia này cũng lưu ý, triển vọng trong vòng từ 6 đến 12 tháng tới có vẻ tích cực.
Áp lực bán tháo cổ phiếu gia tăng trong phiên giao dịch buổi chiều, sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 12/2023. Nội dung của biên bản cho thấy Fed vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho việc giảm lãi suất.
Biên bản cuộc họp của Fed nêu rõ: “Các quan chức nhấn mạnh Fed cần thận trọng và dựa vào dữ liệu để đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ trong tương lai, đồng thời tái khẳng định rằng chính sách cần duy trì ở mức hạn chế trong một thời gian cho đến khi lạm phát giảm rõ rệt về mục tiêu”.
Tại cuộc họp này, giới chức Fed dự báo có 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, mỗi đợt giảm 0,25 điểm phần trăm trong năm nay. Tuy nhiên, Fed chưa có tín hiệu rõ ràng về thời điểm bắt đầu hạ lãi suất.
Chuyên gia về tài sản Jason Betz tại Ameriprise Financial, đánh giá: “Thị trường muốn biết khi nào Fed bắt đầu đảo ngược chính sách thắt chặt và sẽ giảm ở mức độ như thế nào. Tuy nhiên, họ không nhận được thông tin cụ thể nào từ biên bản của Fed. Cổ phiếu bị bán tháo trong ngày hôm nay là do thị trường thất vọng trước sự thiếu minh bạch của Fed”.
Chuyên gia Betz lưu ý thêm rằng đà bán tháo cổ phiếu trong phiên giao dịch một phần do nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời và điều chỉnh lại xu hướng đầu tư cổ phiếu trong năm mới.
Nhà phân tích Max Kettner của ngân hàng HSBC nhận định thị trường Phố Wall đang gia tăng lo ngại “kịch bản Goldilocks” không xảy ra đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều này sẽ hạn chế khả năng cắt giảm lãi suất của Fed.
“Kịch bản Goldilocks” là thuật ngữ để chỉ nền kinh tế lạm phát được kiểm soát mà không gây ra suy thoái kinh tế. Đó là một trạng thái kinh tế mà tăng trưởng không quá nóng - có thể khiến lạm phát vượt tầm kiểm soát - nhưng cũng không quá lạnh (tăng trưởng chậm) khiến nền kinh tế trì trệ và có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Phản ánh kỳ vọng giảm lãi suất suy yếu, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm lại vượt 4% trong phiên ngày 3, trước khi kết thúc phiên giao dịch ở mức hơn 3,9%.