Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ lao đao vì lãi suất, Dow Jones bốc hơi gần 200 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chỉ số của chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều phiên giao dịch ngày 23/10 trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn lo ngại về đà tăng của lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.

Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong ngày 22/10. Ảnh: AP
Chứng khoán Mỹ biến động trái chiều trong ngày 22/10. Ảnh: AP

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones mất 190,87 điểm, tương đương giảm 0,58%, xuống còn 32.936,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,17%, về mức 4.217,04 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite tăng nhẹ 0,27%, đạt 13.018,33 điểm.

Giới đầu tư Phố Wall bất an khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt ngưỡng 5% trong tuần trước. Đóng cửa phiên đầu tuần, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm dao động quanh ngưỡng 4,85%.

Trong ngày 19/10, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt tới 5%, mức cao nhất kể từ tháng 7/2007.

Việc lãi suất trái phiếu tăng mạnh đã phản ánh nỗi lo của thị trường rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn để kiềm chế lạm phát.

Trong bài phát biểu tại một sự kiện hồi tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất và duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ lâu hơn vì “lạm phát còn quá cao”.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ hiện vẫn còn dư địa tăng.

Theo chiến lược gia trưởng Tony Dwyer của công ty Canaccord Genuity, đà tăng của lãi suất trái phiếu Mỹ “có thể được đẩy nhanh trong một bức tranh kinh tế vốn đang suy yếu”.

Trong phiên giao dịch ngảy 22/10, cổ phiếu của gã khổng lồ dầu mỏ Chevron lao dốc 3,7% sau thông tin công ty này sẽ mua lại công ty dầu khí Hess. Cổ phiếu của công ty bảo mật trực tuyến Okta cũng giảm 8% sau sự cố rò rỉ thông tin. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của hãng dược Walgreens tăng 3% sau khi được ngân hàng JPMorgan nâng triển vọng.

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua tuần giao dịch ảm đảm, trong đó, S&P 500 mất 2,4%, ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong 3 tuần gần đây. Chỉ số Dow Jones hạ 1,6%, còn Nasdaq Composite mất 3,2% và chứng kiến 2 tuần giảm liên tiếp.

“Mối quan tâm chính của nhà đầu tư trong phiên hôm nay vẫn liên quan đến vấn đề lãi suất. Chủ đề đang dịch chuyển từ lãi suất “cao hơn trong thời gian lâu hơn” sang “cao hơn bao nhiêu và lâu hơn bao nhiêu”. Thị trường dường như đã chấp nhận kịch bản rằng Fed sẽ không sớm cắt giảm lãi suất” - Phó chủ tịch cấp cao Oliver Pursche của công ty tư vấn Wealthspire Advisors nói với hãng tin Reuters.

Trong khi đó, Bank of America nhận định, Fed có thể thực hiện đợt nâng lãi suất cuối cùng vào tháng 12. Ngân hàng Mỹ dự báo Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp đầu tháng 11 tới. 

Chuyên gia  Michael Gapen của Bank of America lưu ý thêm: “Vẫn có những khả năng đáng kể rằng Fed sẽ trì hoãn đợt tăng lãi suất cuối cùng sang năm 2024 hoặc không thắt chặt thêm nữa”.

Tuy nhiên, thị trường hiện không đồng tình với quan điểm trên. Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đặt cược rằng Fed gần như chắc chắn sẽ không hành động trong tháng 11, trong khi khả năng tăng lãi suất vào tháng 12 chỉ là 24%. 

Trong tuần này, nhà đầu tư cũng quan tâm đến kết quả kinh doanh quý 3 của các công ty niêm yết lớn, với gần 1/3 số doanh nghiệp thành viên của S&P 500 dự kiến sẽ công bố báo cáo trong tuần này. Nhà đầu từ kỳ vọng những kết quả từ Alphabet (Google), Amazon, Meta (Facebook), Microsoft, Ford và Boeing sẽ cung cấp những thông tin quan trọng cho thị trường chứng khoán. 

Theo báo cáo của LSEG,  trong số 86 công ty trong S&P 500 đã báo cáo tính đến thời điểm này, có 78% đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo. Giới phân tích hiện kỳ vọng lợi nhuận của các thành viên trong nhóm chỉ số này trong quý 3 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, trong tuần này, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 của Mỹ. Giới phân tích dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 4,3% trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 9.

Tiếp đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng- sẽ được công bố vào ngày 27/10. Theo dự báo, lạm phát toàn phần và lạm phát lõi cả năm sẽ tiếp tục giảm còn tương ứng 3,4% và 3,7%.

Chuyên gia kinh tế Mike Wilson của Morgan Stanley dự đoán, thị trường cổ phiếu sẽ có nhiều biến động hơn vào cuối năm nay.

Vị chuyên gia này cảnh báo sàn Phố Wall sẽ tiếp tục đi xuống trong tuần này và có thể chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10 này. Đồng thời, chuyên gia Wilson dự báo chỉ số S&P 500 sẽ giảm về mức 3.900 điểm vào cuối năm nay.