Chứng khoán Mỹ liêu xiêu vì lãi suất trái phiếu lập kỷ lục mới

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng lao dốc trong phiên giao dịch ngày 18/10, sau khi lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm chạm mức cao nhất trong 16 năm.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 18/10. Ảnh: Reuters
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên ngày 18/10. Ảnh: Reuters

Theo CNBC, chốt phiên này, chỉ số Dow Jones mất 332,57 điểm, tương đương 0,98%, xuống còn 33.665,08 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng sụt 1,34% về mức 4.314,60 điểm, trong khi Nasdaq Composite hạ 1,62% xuống còn 13.314,30 điểm.

Trong ngày 18/10, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục tăng mạnh và lần đầu tiên vượt ngưỡng 4,9% kể từ năm 2007. Mức bình quân của lãi suất thế chấp cố định 30 năm cũng leo lên 8% - cao nhất từ năm 2000.

Giới chuyên gia nhận định rằng xu hướng tăng của lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ phản ánh kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn.

Phát biểu với đài CNBC, ông Jamie Cox - đối tác quản lý tại Harris Financial, nhận định: “Giới đầu tư đang cố gắng tìm hiểu xem lãi suất sẽ đạt đỉnh ở đâu và điều gì sẽ xảy ra khi lợi suất chạm mức 5%”.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Philadelphia Patrick Harker nêu quan điểm ủng hộ việc Fed nên trì hoãn tăng lãi suất ít nhất là thời điểm hiện tại. “Tôi cho rằng Fed nên chờ đợi thêm một thời gian trước khi đưa ra quyết định về lãi suất” – ông Harker nói với The Wall Street Journal hôm 18/10.

Tâm lý của nhà đầu tư Phố Wall trong phiên ngày 18/10 cũng tỏ ra bi quan khi một số doanh nghiệp lớn công bố báo cáo tài chính quý 3 thấp hơn kỳ vọng.

Cổ phiếu J.B. Hunt mất 8,9% do kết quả lợi nhuận kém khả quan, còn cổ phiếu của United Airlines lao dốc 9,7% sau khi công bố dự báo kinh doanh ảm đạm. Cổ phiếu Morgan Stanley sụt 6,8% và chứng kiến phiên giảm giá mạnh nhất từ năm 2020 do kết quả yếu kém từ bộ phận quản l‎ý tài sản.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu Procter & Gamble cộng 2,6% sau khi công bố kết quả lợi nhuận cao hơn dự báo của các nhà phân tích.

Theo FactSet, hiện mới chỉ có hơn 10% doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã công bố kết quả kinh doanh quý 3 và khoảng 78% trong số này vượt kỳ vọng của giới phân tích.

Theo chiến lược gia đầu tư cao cấp Kevin Gordon của Charles Schwab, trọng tâm của thị trường Phố Wall trong mùa báo cáo này là tăng trưởng doanh thu.

Vị chuyên gia này lưu ý thêm rằng các nhà đầu tư đang nỗ lực phân biệt công ty nào đang ghi nhận nhu cầu tốt và công ty nào đang tăng lợi nhuận nhờ việc cắt giảm chi phí.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất chip như Nvidia và Advanced Micro Devices giao dịch giằng co trong phiên thứ hai liên tiếp do nhà đầu tư tiếp tục bán tháo. Trước đó, hôm 17/10, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch thắt chặt các biện pháp hạn chế việc bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến cho Trung Quốc.

Về dữ liệu kinh tế, báo cáo Beige Book được Fed công bố ngày 18/10 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới “gần như không có thay đổi” trong 6 tuần vừa qua.

Theo báo cáo, hoạt động chi tiêu của người dân vừa có kết quả tiêu cực lẫn tích cực, trong khi giá cả tăng với “tốc độ khiêm tốn”. Tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ chậm hơn. 

Về vấn đề việc làm, hầu hết các khu vực đều chứng kiến mức “tăng nhẹ đến trung bình” khi các doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên ở mức độ bình thường. Dự kiến tăng trưởng kinh tế trong tương lai sẽ “ổn định hoặc yếu hơn một chút". 

Trong những phiên còn lại của tuần này, thị trường đặc biệt quan tâm đến bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Câu lạc bộ Kinh tế New York vào ngày thứ Năm. Bên cạnh đó, nhà đầu tư đang tiếp tục đánh giá ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tại dải Gaza.