Chứng khoán Mỹ giao dịch trái chiều trong phiên ngày 11/9, trong đó chỉ số S&P 500 và Dow Jones nhích nhẹ, còn đi lên trong khi Nasdaq tiếp tục sụt giảm. Tính chung trong tuần, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều giảm sâu.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm sâu trong tuần do nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ. |
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Nasdaq Composite mất 0,6% xuống còn 10.853, 55 điểm. Chỉ số này biến động mạnh trong phiên, có lúc tăng 1% và có thời điểm lại lao dốc tới 1,7%. Cổ phiếu của Apple giảm 1,3%, còn Amazon mất 1,9%. Các cổ phiếu công nghệ khác gồm Facebook, Alphabet và Microsoft đều giảm điểm khi kết thúc phiên giao dịch.
Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0,1% lên mức 3.340,97 điểm sau khi liên tục trồi sụt trong phiên giao dịch ngày cuối tuần. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên tăng 131,06 điểm, tương đương 0,5%, lên 27.665,64 điểm. Trong phiên, có thời điểm chỉ số của nhóm 30 cổ phiếu bluechip này tăng tới 294 điểm (khoảng 1,1%) và có lúc giảm 86 điểm.
Ông Mark Hackett - Giám đốc nghiên cứu đầu tư tại Nationwide nhận xét: "Thị trường vẫn chưa ổn định, diễn biến của các chỉ số trên sàn Phố Wall trong phiên giao dịch hôm nay khá gần với sự biến động mạnh theo cảm tính hồi tháng 3, tháng 4".
Tính chung cả tuần vừa qua, cả ba chỉ số chính đều giảm sâu. Nasdaq sụt 4,1%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3. S&P 500 giảm 2,5%, ghi nhận tuần đi xuống mạnh nhất kể từ tháng 6. Dow Jones giảm 1,7%.
Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn giảm sâu trong tuần này do nhà đầu tư bán tháo. Facebook và Amazon đều lao dốc hơn 5%. Apple và Netfilx hạ lần lượt 7,4% và 6,6%. Alphabet và Microsoft đều mất hơn 4% trong tuần qua. Trong khi đó, tính chung trong tuần cổ phiếu của Tesla hạ 10,9%.
Nhóm công nghệ của chỉ số S&P 500 giảm 4,4%, chứng kiến tuần giảm mạnh nhất kể từ đợt bán tháo hồi tháng 3.
Các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ trải qua tuần giảm mạnh sau một đợt suy thoái của các nhóm công nghệ vốn hóa lơn vốn dẫn dắt đà khởi sắc của thị trường trong nhiều tháng qua.
Douglas Busch, người sáng lập ChartSmarter.com cho rằng đợt giảm gần đây là sự điều chỉnh có lợi sau đợt tăng dài 5 tháng của S&P 500, chủ yếu nhờ nhóm nhỏ cổ phiếu công nghệ nhưng chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số và các chính sách kích thích tài khóa, tiền tệ khổng lồ.
Về dữ liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ ngày 11/9 cho biết chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 0,4% trong tháng 8, cao hơn mức dự báo tỷ lệ lạm phát ở mức 0,3% của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát trước đó. Động lực chủ yếu thúc đẩy giá cả đi lên là giá xe ô tô, xe tải đã qua sử dụng tăng mạnh nhất 51 năm.
Chuyên gia kinh tế tài chính Chris Rupkey tại tập đoàn tài chính Mitsubishi (MUFG) nhận định: "Nhu cầu hàng hóa tăng mạnh trở lại sau thời gian bị kìm hãm bởi các biện pháp hạn chế ngăn dịch Covid-19 đã đẩy xu hướng giá cả từ giảm phát thành lạm phát".