Chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc trở lại trong phiên 22/7 sau khi Chính phủ đồng ý chi gần 2 tỷ USD để mua vaccine từ các hãng dược Pfizer và BioNTech. Tâm lý của giới đầu tư trên sàn Phố Wall cũng hứng khởi hơn cùng với tiến triển rõ ràng trong các cuộc thảo luận về các gói kích thích kinh tế mới tại Quốc hội.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones tăng 165.44 điểm (tương đương 0.6%) lên 27,005.84, đánh dấu 3 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số S&P 500 tiến 0.6% lên 3,276.84, ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp và ghi nhận mức cao nhất trong 5 tháng gần đây. Chỉ số Nasdaq Composite cộng 0.2% lên 10,706.13 điểm.
Mỹ đã đồng ý chi trả cho Pfizer và đối tác BioNTech của Đức 1.95 tỷ USD để sản xuất 100 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 nếu chứng minh được an toàn và hiệu quả. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh của Mỹ cho biết thêm nước này có thể mua thêm 500 triệu liều thuốc theo thỏa thuận.
Kết thúc phiên 22/7, cổ phiếu Pfizer tăng hơn 5%, cổ phiếu BioNTech niêm yết tại Mỹ nhảy vọt 13,7%.
"Thông thường phải mất khoảng 10 năm để phát triển một loại vaccine", nhà chiến lược Ed Yardeni tại Yardeni Research cho biết, "Tuy nhiên, sự khẩn cấp của đại dịch đã giúp chúng ta huy động được các nguồn lực y tế toàn cầu hiếm thấy trước đây. Khu vực công và tư đã tài trợ hàng tỷ USD cho việc phát triển vaccine và các phương pháp chữa trị. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự sẽ cần sự kiểm chứng trong giai đoạn tiếp theo".
Các cổ phiếu cũng giao dịch tích cực hơn về cuối phiên khi Đảng Cộng hòa xem xét gia hạn trợ cấp thất nghiệp ở mức 400 USD mỗi tháng cho đến tháng 12.
Trước đó, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói trợ cấp thất nghiệp 2.400 USD mỗi tháng cho người lao động. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này sẽ hết hạn vào tháng 7, dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vẫn giữ ở mức cao 11%.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đã chịu áp lực một phần từ thông tin Bộ Ngoại giao Mỹ đột ngột ra lệnh đóng cửa tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP Houston.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã lên án hành động này và cảnh báo về các biện pháp đối phó kiên quyết. Động thái mới diễn ra khi mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xấu đi đáng kể trong đại dịch Covid-19.
Về phần các doanh nghiệp, cổ phiếu United Airlines sụt 4,2% sau khi hãng hàng không này công bố khoản lỗ 1,62 tỷ USD trong quý II. Đại dịch Covid-19 lan rộng khắp nước Mỹ khiến doanh thu của United Airlines lao dốc 87% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dan Deming - giám đốc điều hành KKM Financial, nhận xét: “Mặc dù diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng bất ổn chính trị đang tác động đến thị trường, song thời điểm hiện tại nhà đầu tư Phố Wall đang bỏ qua những yếu tố tiêu cực trên, kỳ vọng nhiều hơn vào gói phục hồi kinh tế khổng lồ trị giá 750 tỷ euro vừa được Liên minh châu Âu thông qua và các gói kích thích kinh tế hiện tại của Mỹ.
Đại gia công nghệ Microsoft cũng vừa thông báo doanh thu 38,03 tỷ USD và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu 1,46 USD, cao hơn mức dự báo tính của giới phân tích lần lượt là 36,5 tỷ USD và 1,34 USD./.