Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 25/3, chỉ số Dow Jones sụt 162,26 điểm (tương đương 0,41%) xuống còn 39.313,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,31% về còn 5.218,19 điểm, còn chỉ số Nasdaq Composite mất 0,27% xuống 16.384,47 điểm.
Cổ phiếu Intel giảm 1,7% sau khi Financial Times đưa tin Trung Quốc sẽ ngừng sử dụng chip bán dẫn của công ty này và Advanced Micro Devices (AMD) trong các máy chủ và máy tính của chính phủ.
Cổ phiếu United Airlines sụt 3,4% sau khi Cục Hàng không Liên bang cho biết sẽ tăng cường giám sát hãng hàng không này sau một loạt sự cố về an toàn.
Mặc dù giảm phiên này, thị trường Phố Wall vẫn đang tiến tới hoàn tất tháng tăng điểm thứ 5 liên tiếp. Trong tuần trước, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng thiết lập kỷ lục mới. Tính cả tuần, S&P 500 tăng khoảng 2,3%. Dow Jones leo dốc gần 2%, ghi nhận tuầntăng mạnh nhất kể từ tháng 12/2023 và tiến sát về mốc chủ chốt 40.000 USD. Chỉ số Nasdaq Composite tăng khoảng 2,9% trong tuần.
Lực đẩy quan trọng cho đà tăng mạnh trong tuần trước là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì dự báo sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Bên cạnh đó, thị trường cổ phiếu còn được hỗ trợ bởi tâm trạng phấn khích của nhà đầu tư đối với cổ phiếu công nghệ trong bối cảnh cơn sốt công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo một cuộc khảo sát nhà đầu tư, tâm trạng của nhà đầu tư ở Phố Wall nói chung đang lạc quan hơn so với mức bình quân lịch sử.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng đợt tăng điểm gần đây của thị trường đã kéo dài quá mức và nhiều khả năng Fed sẽ giữ lãi suất cao trong thời gian lâu hơn.
Theo chiến lược gia trưởng Sam Stovall của công ty CFRA Resesarch, định giá cổ phiếu đang trở nên đắt đỏ khi S&P 500 đang giao dịch ở mức cao hơn 33% so với hệ số giá/thu nhập (P/E) trong hơn 20 năm qua.
“Các chỉ số chính của Phố Wall dường như ít biến động sau khi liên tục lập kỷ lục mới nhờ kỳ vọng vào việc Fed sớm nới lỏng chính sách. Thị trường ngày càng dễ rơi vào trạng thái giảm điểm hoặc điều chỉnh” – chuyên gia Stovall nói với đài CNBC.
Tuần này, nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng, dự kiến sẽ được Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu. Phản ứng của nhà đầu tư với số liệu này sẽ diễn ra vào ngày thứ Hai, vì thị trường Phố Wall sẽ đóng cửa nghỉ lễ Good Friday trong ngày 29/3.
Ông Stovall nhận định, thị trường cổ phiếu có thể sẽ không biến động nhiều sau khi báo cáo PCE được công bố vì họ đã phản ứng nhiều với các báo các lạm phát quan trọng khác công bố gần đây là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI).
Kỳ vọng về việc Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6 tới đã tăng trở lại, với xác suất tăng lên 71,9% theo Công cụ FedWatch, tăng từ khoảng 54,7% một tuần trước.
Thậm chí ngân hàng Morgan Stanley Research còn đưa ra dự báo lạc quan hơn khi nhận định Fed có thể có 4 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Các chuyên gia của Morgan Stanley cho biết: “Chúng tôi tin rằng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 6, sau đó là các đợt cắt giảm tại những cuộc họp tháng 9, tháng 11 và tháng 12”.