Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 29/8 do lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết liệt tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, ngay cả khi điều đó khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones sụt 184,41 điểm (tương đương 0,57%) xuống còn 32.098,99 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,67% về mức 4.030,61 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite rớt 1,02% xuống 12.017,67 điểm.
Trong phiên, Dow Jones có lúc sụt hơn 300 điểm, sau đó chuyển sang sắc xanh nhưng cuối cùng vẫn khép phiên giao dịch đầu tuần dưới mức tham chiếu.
Công nghệ là lĩnh vực giảm mạnh nhất thuộc S&P 500 khi lãi suất tăng, trong khi năng lượng và tiện ích hoạt động vượt trội. 3M và Salesforce là những mã cổ phiếu giảm mạnh nhất thuộc Dow Jones. Đà giảm đó đã được bù đắp phần nào nhờ đà tăng gần 1% của cổ phiếu Walmart và Chevron.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm, vốn nhạy cảm với kỳ vọng diễn biến chính sách tiền tệ của FED trong ngắn hạn, nhảy vọt lên 3,427% trong ngày 29/8 – mức cao nhất trong vòng 15 năm. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên 3,109%. Đường cong lợi suất tiếp tục đảo chiều, phát đi tín hiệu cảnh báo về một cuộc suy thoái. Nhà đầu tư lo ngại FED sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao
Diễn biến thị trường trong phiên đầu tuần dự báo quãng thời gian đầy biến động phía trước, bắt đầu từ ngày 26/8 sau bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell trong khuôn khổ hội nghị Jackson Hole. Ông Powell nhấn mạnh FED phải tiếp tục tăng giữ lãi suất ở ngưỡng cao cho tới khi nào họ tự tin thấy rằng lạm phát đã được kiểm soát.
Thị trường Phố Wall đã trải qua một đợt bán tháo mạnh vào ngày 26/8 khi những tuyên bố của ông Powell dường như dập tắt hy vọng về việc FED giảm tốc độ nâng lãi suất trong những tháng tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/8, Dow Jones “bốc hơi” hơn 1.000 điểm, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 5/2022. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt sụt 3,4% và 3,9%, cùng chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2022. Đợt lao dốc trong những phiên gần đây đã thu hẹp đà tăng trong tháng 8 của cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ.
Chuyên gia Adam Crisafulli của Vital Knowledge nhận xét: “Mặc dù đà bán tháo ồ ạt từ thứ Sáu tuần trước đã hạ nhiệt, nhưng nhu cầu mua thực là không nhiều. Kể cả những người đầu cơ giá lên cũng muốn chờ các số liệu kinh tế quan trọng của tuần này như PMI của Trung Quốc và CPI của Eurozone ngày 31/8 và báo cáo việc làm của Mỹ ngày 2/9, sau đó mới quay lại mua”.
Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ đón nhận thêm một số bài phát biểu của quan chức FED, cùng với báo cáo việc làm phi nông nghiệp trong tháng 8, dự kiến được công bố vào ngày 2/9.
Phát biểu với đài CNBC hôm 29/8, chuyên gia Jeremy Siegel của Wharton bày tỏ lo ngại FED có thể tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới và điều này có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình trạng suy thoái. Theo ông Siegel, ngân hàng trung ương Mỹ có thể sẽ tăng lãi suất tới 1% trong cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới, và nhiều khả năng bắt đầu giảm lãi suất từ năm tới.
Ông Tavis McCourt - chiến lược gia đầu tư cổ phiếu của Raymond James, cho rằng thị trường Phố Wall sẽ biến động mạnh vào cuối năm nay. “Chúng tôi dự đoán thị trường cổ phiếu sẽ tiếp tục rung lắc mạnh vào mùa Thu và Đông năm nay, khi hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp Mỹ bắt đầu chịu tác động từ lạm phát tăng cao và chính sách “diều hâu” hơn của FED”.