Mặc dù tăng khá vào đầu phiên, song Phố Wall đuối dần vào cuối phiên và đóng cửa với kết quả hầu như không thay đổi so với phiên cuối tuần trước.
Thị trường mở cửa trở lại trong nỗi lo âu của giới đầu tư về khả năng "ngập lụt" lệnh mua bán cổ phiếu sẽ dẫn tới một phiên giao dịch biến động mạnh. Tuy nhiên, thực tế thì giá giao dịch cổ phiếu chỉ thay đổi chút ít vào buổi sáng và tiếp tục đưa đẩy nhẹ trong khoảng thời gian mua bán còn lại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 10,75 điểm, tương ứng 0,08%, xuống còn 13.096,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 10,72 điểm, tương ứng 0,36%, xuống còn 2.977,23 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 nhích nhẹ 0,22 điểm, tương ứng 0,02%, lên 1.412,16 điểm.
Trong số các cổ phiếu tăng giá ngày hôm qua, ấn tượng nhất là cổ phiếu của Home Depot và Lowe. Giới phân tích dự đoán, doanh thu của hai hãng này sẽ tăng lên, do người dân sẽ buộc phải mua sắm đồ dùng mới để thay thế cho những vật dụng đã bị hỏng hóc trong trận bão Sandy.
Về phía những cổ phiếu giảm điểm, gây chú ý nhiều nhất là các cổ phiếu của Chubb, Allstate và Travelers. Giới đầu tư lo ngại rằng, các công ty này sẽ thua lỗ trầm trọng do chi phí bảo hiểm sẽ đội lên. Ước tính thiệt hại do siêu bão Sandy gây ra cho kinh tế Mỹ có thể hàng chục tỷ USD.
Cùng ngày tại châu Âu, các thị trường chứng khoán trong khu vực đều đồng loạt giảm điểm, bất chấp kết quả kinh doanh khá khả quan của nhiều doanh nghiệp và việc Phố Wall mở cửa trở lại.
Đóng cửa phiên này, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của Anh mất 1,15% xuống 5.782,7 điểm; DAX 30 của Đức giảm 0,33% xuống 7.260,63 điểm và CAC 40 của Pháp trượt 0,87% xuống 3.429,27 điểm.
Chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch đầu tiên của tháng 11 tăng giảm không đồng nhất trên các thị trường chính trong khu vực khi Shanghai Composite của Trung Quốc và Nikkei 225 của Nhật Bản là tăng điểm, trong khi thị trường Hong Kong giảm điểm.
Tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,25% (5,18 điểm) trong những phút giao dịch đầu ngày, nhờ thông tin hoạt động công nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trở lại trong tháng 10. Theo số liệu chính thức, chỉ số quản lý sức mua (PMI) tháng 10 của Trung Quốc đứng ở mức 50,2; tăng khá mạnh so với mức 49,8 của tháng Chín.
Còn tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng nhích nhẹ 7,27 điểm (0,08%), bất chấp cổ phiếu của hãng Panasonic lao dốc mạnh gần 20% sau khi đại gia điện tử này của Nhật Bản cảnh báo có thể bị lỗ ròng 9,6 tỷ USD. Trong khi đó, tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng lại để mất ngay 67,89 điểm, tương ứng giảm 0,31%.