Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1888 tới nay, các thị trường tài chính Phố Wall phải đóng cửa hai phiên liên tiếp vì lý do thời tiết...
Quyết định này được áp dụng đối với tất cả các mảng như cổ phiếu, trái phiếu, hợp đồng quyền chọn và hợp đồng phái sinh.
Chính quyền Mỹ dự tính cơn bão Sandy có thể ảnh hưởng tới khoảng 50 triệu người dân. Hơn 700 chuyến bay, trong đó có nhiều chuyến bay quốc tế, đã bị hủy bỏ trong ngày 28/10 và khoảng gần 2.500 chuyến bay khác bị hủy bỏ trong ngày 29/10.
Trong thông báo trên website riêng, sàn giao dịch chứng khoán NYSE Euronext tại New York cho biết họ buộc phải tạm đóng cửa giao dịch sau khi giới chức Liên bang và thành phố ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, khiến nhiều nhân viên trong ngành chứng khoán không thể tới nơi làm việc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho hay, Sandy là một cơn bão di chuyển chậm, vì thế những vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể phải mất nhiều thời gian để phục hồi. Các cơ quan dự báo cho rằng, siêu bão Sandy có thể lớn và nguy hiểm hơn nhiều so với Irene, cơn bão xảy ra hồi năm 2011, làm 47 người chết và gây thiệt hại khoảng 15 tỷ USD.
Dự kiến, các sàn giao dịch sẽ hoạt động bình thường trở lại vào ngày 31/10, nếu điều kiện cho phép. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng còn phải chờ vào các báo cáo tiếp theo về tình hình thực tế của cơn bão.
Hôm 29/10, các sàn chứng khoán và hàng hóa New York đã phải đóng cửa sau khi giới chức Liên bang và thành phố ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động, khiến nhiều nhân viên trong ngành chứng khoán không thể tới nơi làm việc.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu lại khép phiên với “sắc đỏ," do những lo ngại về ảnh hưởng của cơn bão Sandy đối với nền kinh tế Mỹ và tình trạng “lao đao” của các tập đoàn bảo hiểm lớn. Ngoài ra, những bất ổn chính trị tại Italy cũng chất thêm gánh nặng lên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) - vốn đang phải vật lộn với cơn bão nợ.
Kết thúc phiên, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,20%, xuống 5.795,10 điểm. Tại Paris, chỉ số CAC 40 cũng hạ 0,76%, xuống 3.408,89 điểm, trong khi tại sàn giao dịch Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 mất 0,4%, đóng cửa ở mức 7.203,16 điểm.
Còn tại thị trường châu Á đầu phiên giao dịch ngày 30/10, các sàn giao dịch chứng khoán lại đồng loạt lên điểm, khi giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào cuộc họp chính sách của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), với hy vọng rằng BoJ sẽ tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới. Mở cửa phiên này, chỉ số Nikkei 225 tăng 12,48 điểm (0,14%), lên 8.941,82 điểm.