Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán rơi mạnh: Cần nhiều thông tin hỗ trợ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, chỉ số VN-Index rơi mạnh từ 891,44 điểm xuống 761,78 điểm, tương ứng mức giảm 14,55%. Đây là tuần giảm mạnh nhất của VN-Index kể từ tháng 3/2008 tới nay (12 năm). Diễn biến xấu của các chỉ số đến từ việc tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự phức tạp của dịch Covid-19, cũng như sự lao dốc của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ và giá dầu.

Nhà đầu tư tham khảo thị trường chứng khoán tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Dương
Người bán tháo, kẻ bắt đáy
Thông tin về đại dịch toàn cầu đã tác động mạnh tới TTCK. Số ca nhiễm mới, số người tử vong, mức độ lây lan, đặc biệt là các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những thông tin được giới đầu tư đặc biệt chú ý. Lý do, mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh sẽ có tác động tỷ lệ thuận với mức độ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế khắp thế giới, Việt Nam không là ngoại lệ.
Tuần qua, khối tự doanh mua vào 43 triệu CP, trị giá 1.000 tỷ đồng, trong khi bán ra 36,9 triệu CP, trị giá 902 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 6,3 triệu CP, tương ứng giá trị mua ròng hơn 99 tỷ đồng. Tính tổng cả 5 tuần qua, khối tự doanh mua ròng hơn 839 tỷ đồng.
Tuần qua cũng đánh dấu những phiên giao dịch lịch sử trên TTCK. Ngày 12/3, Mỹ có phiên giảm mạnh hơn cả khủng hoảng tài chính 2008 khi Dow Jones giảm 9,99%. Chỉ số này đã giảm mạnh nhất kể từ ngày "thứ Hai đen tối" năm 1987, mất tới hơn 22%. S&P 500 giảm mạnh 9,5%, phiên tồi tệ nhất kể từ năm 1987. Nasdaq Composite mất 9,4%. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vọt lên hơn 76 và chạm mức cao nhất kể từ năm 2008. Các thị trường từ châu Á đến châu Âu đều đã bước vào thị trường con gấu (giảm trên 20%).
Một điểm cũng tác động rất xấu đến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) là khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng rất mạnh. Riêng trên HoSE, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.980 tỷ đồng (gấp đôi giá trị bán ròng của tuần trước, kéo dài 7 tuần giao dịch bán ròng với giá trị tổng cộng 5.757 tỷ đồng. Đây là đợt suy giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng 2007 - 2008 và khả năng diễn ra bán tháo trong thời gian tới là rất lớn.
Tuy nhiên, tâm lý và hành vi trên TTCK lại rất đa dạng. Khi thị trường đỏ lửa, cổ phiếu (CP) giảm sàn la liệt, khối tự doanh Công ty Chứng khoán tiếp tục giữ trạng thái mua ròng. Một số quỹ đầu tư nước ngoài có quy mô lớn như VinaCapital cũng cho biết họ tận dụng thời điểm này để tái cơ cấu danh mục đầu tư, thời gian qua họ đã dần gom một số CP cơ bản tốt. 
Chờ động thái mạnh tay
TTCK là một chỉ báo của nền kinh tế, cũng như có vai trò quan trọng trong dẫn vốn cho các DN, tính trên cả các kênh phát hành CP và trái phiếu. Cho nên, việc hỗ trợ thị trường, tránh sụp đổ và mất niềm tin ở các NĐT là vô cùng quan trọng, để đem lại tác động gián tiếp tích cực tới sự ổn định kinh tế, sớm dẫn vốn cho các DN phục hồi lại kinh doanh đầu tư sau đại dịch.
Về phía cơ quan quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chuyển tải thông điệp sẽ xử lý hồ sơ DN nộp lên đăng ký mua CP quỹ, phát hành thêm… chỉ trong 1 ngày. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, thị trường đang chờ đợi các động thái mạnh tay hơn từ cơ quan quản lý như giảm các loại phí chứng khoán phái sinh, phí lưu ký chứng khoán, vốn đang là gánh nặng với các NĐT.
Dịch bệnh cũng làm hoạt động quan trọng của các DN niêm yết là các đại hội đồng cổ đông bị giãn hoãn chậm hơn so với mọi năm, chậm ra báo cáo kiểm toán năm, vì thế các NĐT ở thời điểm này đang rất thiếu vắng thông tin về DN. Do đó, một giải pháp được khuyến nghị tới các DN niêm yết lúc này là cần công bố và chia sẻ các thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, cập nhật các giải pháp DN ứng phó với tác động, biến động mới trong môi trường đầu tư, kinh doanh… Có những thông tin đầy đủ về DN, sẽ có nhiều NĐT hạn chế được thiệt hại và có hành động đúng, tránh hiện tượng đua nhau bán tháo quá đà, cũng hạn chế các hoạt động thao túng, dìm giá CP, bóp méo các chỉ số chứng khoán...