Chứng khoán châu Á giảm điểm, USD tăng vọt
Các cổ phiếu châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần trong phiên giao dịch ngày 1/8, trong khi đồng USD tăng vọt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực hiện cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản như dự báo trước đó, nhưng lại “dội nước lạnh” vào kỳ vọng của thị trường về việc kéo dài chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày hôm 31/7, FED hạ lãi suất cho vay qua đêm tham chiếu 0,25 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, trong họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, FED không cam kết về một chu kỳ cắt giảm lãi suất dài hơi, như trong một cuộc suy thoái. Ông cũng mô tả đó là một quá trình chuyển tiếp chính sách của FED bắt đầu sau khi cơ quan này tăng lãi suất lần cuối vào tháng 12, sau đó tạm dừng và sau đó cắt giảm lãi suất 0,25%. Phạm vi lãi suất quỹ Liên bang hiện là 2%-2,25%.
Cụ thể, chỉ số chứng khoán MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản sụt 0,4%, chứng kiến mức giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 6.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục trượt dốc: Hợp chất Thượng Hải giảm 0,31% và thành phần Thâm Quyến giảm 0,15%. Các hỗn hợp Thâm Quyến giảm 0,167%.
Tại các thị trường khác, chỉ số ASX 200 của Australia hạ 0,18%, vì hầu hết các cổ phiếu đều đi xuống.
Chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Nhật Bản sụt 0,4% và chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng trượt dốc 0,5%.
Chỉ số tương lai S&P 500 tại thị trường châu Á giảm 0,4%.
“Thông thường, việc giảm lãi suất sẽ thúc đẩy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu. Nhưng thị trường tài chính đã phản ứng tiêu cực sau khi FED cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ tháng 12/2008”, ông Craig James, nhà kinh tế trưởng tại CommSec cho biết.
Chuyên gia James lý giải thêm rằng, phát biểu trong cuộc họp báo, Chủ tịch FED Jerome Powell đã thể hiện quan điểm “diều hâu” hơn so với kỳ vọng của nhà đầu tư khi cho rằng FED sẽ xác nhận thái độ bồ câu - ủng hộ nới lỏng tiền tệ, tại cuộc họp chính sách lần này.
Thị trường tài chính đã mong đợi FED sẽ cắt giảm lãi suất nhiều hơn vào cuối năm nay, mặc dù một số nhà phân tích cho rằng nới lỏng mở rộng dường như không được bảo đảm vì chỉ số tiêu dùng của Mỹ cũng như tăng trưởng việc làm tại Mỹ khả quan.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2017 so với các đồng tiền chủ chốt khác. Tính chung trong tháng 7, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chính khác, tăng vọt 2,5%.
So với đồng yen Nhật, tỷ giá đồng USD tăng lên mức 1 USD đổi được 109 yên, mức cao nhất kể từ cuối tháng 5.
Dow Jones rớt hơn 300 điểm sau phát biểu của Chủ tịch FED
Thị trường Phố Wall giảm mạnh vào ngày 31/7, khi Chủ tịch FED Jerome Powell, làm giảm hy vọng vào việc có thêm đợt hạ lãi suất vào cuối năm nay.
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ thất vọng do FED hạ lãi suất như dự báo nhưng phát tín hiệu sẽ không có thêm động thái cắt giảm nào trong năm nay.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, FED hạ lãi suất cho vay qua đêm tham chiếu 0,25 điểm phần trăm - mức giảm đã được thị trường dự báo từ trước. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Powell có ý nói rằng trong thời gian từ nay đến hết năm, FED sẽ không hạ lãi suất thêm nữa. Điều này trái ngược với kỳ vọng trước đó của thị trường rằng FED sẽ có thêm 1 - 2 lần hạ lãi suất trong năm nay.
"Thị trường có vẻ thất vọng với tuyên bố của Chủ tịch Powell. Ông ấy không nói thẳng ra là FED chỉ giảm lãi suất một lần rồi thôi, nhưng ông ấy gửi đi một thông điệp khá rõ ràng rằng không có gì đảm bảo FED sẽ hạ lãi suất trong tháng 9", - nhà quản lý danh mục cấp cao Don Ellberger thuộc Federated Investors nói với hãng tin CNBC.
Tuyên bố từ FED đã đẩy các chỉ số xuống mức đáy của phiên giao dịch, dẫn đầu là những cổ phiếu có tỷ trọng lớn như Microsoft và Amazon.
Chỉ số Dow Jones "bốc hơi" 333,75 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, tương đương mức giảm 1,2%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ cuối tháng 5, còn 26.864,27 điểm.
Chỉ số S&P 500 giảm 1,1%, còn 2.980,38 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 1,2%, còn 8.175,42 điểm. Đây cũng là phiên giảm nhiều nhất của S&P 500 kể từ cuối tháng 5 và phiên giảm mạnh nhất của Nasdaq kể từ cuối tháng 6.
Đợt giảm lãi suất này của FED diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Mỹ chịu áp lực suy giảm từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế gần đây của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn có những con số tích cực. Trong quý II, tăng trưởng GDP của Mỹ tăng trưởng 2,1%, giảm tốc mạnh so với mức tăng trên 3% trong quý I, nhưng vẫn cao hơn mức dự báo.
Dù giảm mạnh phiên giao dịch này, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall chốt tháng 7 với mức leo dốc mạnh nhờ kỳ vọng FED hạ lãi suất. Trong đó, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 1,3% và 2,1%, còn Dow Jones nhích 1%.
Tính từ đầu năm, Dow Jones cộng 15%, S&P 500 tăng 18%, và Nasdaq tăng 23%, chủ yếu nhờ lập trường chính sách tiền tệ chuyển từ cứng rắn sang mềm mỏng của ngân hàng trung ương./.