Chứng khoán tiếp tục ảm đạm

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù tâm lý nhà đầu tư đã bình tĩnh hơn, tuy nhiên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam mở cửa phiên đầu tuần ngày 3/2 vẫn không thoát khỏi cảnh ảm đạm giữa “bão” dịch viêm phổi cấp do virus corona (nCoV).

Thị trường chứng khoán ghi nhận những phiên giao dịch ảm đạm trong những ngày qua. Ảnh: Chiến Công
Dịch bệnh tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư
Sau 2 phiên khai xuân, chỉ số VN-Index giảm gần 55 điểm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh lên tâm lý nhà đầu tư. Mở cửa phiên 3/2, tâm lý hoảng loạn tiếp tục bao trùm thị trường. Đà bán thậm chí còn lớn hơn cả 2 phiên giao dịch tuần trước. Các cổ phiếu như VRE, ROS, VJC, HVN, PVD, GEX... đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, ACV giảm 7,6%, HBC giảm 6,7%, MSN giảm 6,2%, TPB giảm 6,2%, VNM giảm 6%, BID giảm 6,3%... VN-Index giảm 43 điểm xuống 893,62 điểm.

Chốt phiên ngày 3/2, đà giảm đã được thu hẹp khi tâm lý nhà đầu tư bình tĩnh trở lại. Sự phục hồi ở nhóm cổ phiếu trụ cột diễn ra rõ nét, các cổ phiếu như SHB, BID, CTG, HBC, HPG, NVL... bật tăng rất mạnh và giúp thu hẹp đáng kể đà giảm của các chỉ số. Trong đó, SHB tăng 5,3%, BID tăng 3,9%, CTG tăng 3,1%, HBC tăng 2,9%, HPG tăng 1,9%... Tuy nhiên, sắc đỏ vẫn bao trùm lên phần lớn các cổ phiếu trụ cột và tạo áp lực rất mạnh lên thị trường chung. CTD giảm 6,3%, PVD giảm 6%, BVH giảm 5,4%, HVN giảm 5,1%, GAS giảm 3,8%. VN-Index chốt phiên giảm 8,48 điểm (-0,91%) xuống 928,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 275 triệu cổ phiếu, trị giá 5.015 tỷ đồng. HNX-Index giảm 1,05 điểm (-1,03%) xuống 101,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66 triệu cổ phiếu, trị giá 636 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia phân tích, diễn biến dịch bệnh vẫn sẽ tác động mạnh đến thị trường. VN-Index có thể cân bằng và hồi phục lại khi có thông tin hỗ trợ.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, TTCK có thể sẽ duy trì tâm lý e ngại cho đến khi có những bước tiến rõ ràng trong quá trình phòng - chống - kiểm soát dịch bệnh. Dịch bệnh có thể chưa kết thúc ngay, nhưng khó khăn nào cũng có điểm dừng.

Doanh nghiệp niêm yết chịu tác động thế nào?

Công ty CP Chứng khoán SSI vừa có báo cáo, trong đó đưa ra đánh giá tác động của dịch cúm nCoV đối với các ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Theo SSI, có 4 ngành hưởng tác động tích cực là chăm sóc sức khỏe, IT, điện (các nhà máy điện chạy bằng khí đốt sẽ được hưởng lợi từ việc giảm giá dầu thô) và nước (là những ngành không bị tác động bởi nCoV). Tuy nhiên, SSI đánh giá thực tế không có thay đổi nhiều về các yếu tố cơ bản của ngành dược Việt Nam liên quan đến dịch cúm nCoV, nên SSI giữ quan điểm trung lập cho ngành dược. Các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực là dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, cảng biển, hàng không, dịch vụ hàng không.

Ngành dệt may không bị tác động trực tiếp về phía cầu, vì dệt may Việt Nam không xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên GDP Trung Quốc chậm lại có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng toàn thế giới. Hơn nữa, nhiều DN nhập khẩu vải từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng do các nhà máy đóng cửa trong tháng 1, 2.

Ngành bán lẻ sẽ bị ảnh hưởng do người dân sẽ hạn chế đi tới nơi công cộng để tránh ảnh hưởng bởi dịch cúm và tiêu dùng sẽ hướng đến việc mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe hơn. Mặc dù vậy, xu hướng tiêu dùng sẽ chuyển từ phương thức truyền thống sang các hoạt động mua hàng online hoặc siêu thị.

Ngành thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bị giảm tốc do ảnh hưởng bởi cúm nCoV. Năm 2019, thị trường Trung Quốc chiếm 16,5% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, 16,1% xuất khẩu tôm và 33% xuất khẩu cá tra. Việc nghỉ dài sẽ ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu quý I/2020.

Ngành bia vừa bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100, sẽ chịu tác động lớn do người dân hạn chế tụ tập nơi công cộng. Ngành dầu khí cũng chịu ảnh hưởng khi giá dầu giảm 16% từ 70 USD/thùng. Giá dầu giảm bởi tác động bởi lệnh hạn chế đi lại do virus Corona ở Trung Quốc.

Với ngành ngân hàng, khi toàn nền kinh tế và các ngành mũi nhọn bị ảnh hưởng bởi nCoV, ngành ngân hàng cũng sẽ phần nào bị tác động trong ngắn hạn. Tuy nhiên, SSI vẫn giữ quan điểm tích cực đối với ngành này trong dài hạn và khuyến nghị mua các cổ phiếu như VCB, CTG, ACB, VPB. Ngành hàng không và dịch vụ hàng không, khách hàng từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam năm 2019. Do đó ngành này sẽ bị ảnh hưởng mạnh.

Tại Lễ đánh cồng đầu xuân Canh Tý tại sàn HOSE, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, năm 2020, Bộ Tài chính sẽ tập trung thực hiện 5 giải pháp.

Thứ nhất hoàn thành xây dựng các nghị định, văn bản hướng dẫn quy định Luật Chứng khoán sửa đổi để thực hiện từ năm 2021 theo đúng kế hoạch vạch ra để tạo môi trường tốt nhất, minh bạch nhất cho DN.

Thứ hai, tập trung tái cơ cấu lại TTCK, trình Chính phủ thành lập Sở GDCK Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại hai sở giao dịch chứng khoán hiện tại.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế cổ phần hóa, đẩy mạnh công tác thoái vốn Nhà nước, gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch TTCK.

Thứ tư, phối hợp các bộ, ngành triển khai các biện pháp nâng hạng TTCK Việt Nam, xây dựng các quy định về xếp hạng tín nhiệm và tổ chức định mức tín nhiệm Việt Nam.

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, giám sát và xử phạt vi phạm trên TTCK, qua đó đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và tạo lòng tin cho nhà đầu tư.