Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 0,26%, trong khi đó, chỉ số tổng hợp Thâm Quyến nhích 0,21%. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng tăng 0,15%.
Tuy nhiên, phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong phiên 12/8, trong khi đó giá vàng vẫn duy trì đà tăng trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài có thể khiến kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang có ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ nhiều hơn đánh giá ban đầu và khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc suy thoái đang tăng mạnh. Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết họ không còn tin Mỹ - Trung có thể đạt một thỏa thuận thương mại trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Trong lưu ý hôm 11/8, Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ quý IV/2019 còn 1,8%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với lần dự báo trước, với lý do cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang đặt ra sức ép lớn lên nền kinh tế.
Trước những thông tin trên, chỉ số chứng khoán MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,17%. Tại thị trường Australia, chỉ số ASX 200 sụt 0,4% trong khi chỉ số KOSPI của Hàn Quốc quay đầu phục hồi 0,4%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore đóng cửa nghỉ lễ trong phiên giao dịch ngày 12/8.
Trước đó, trả lời các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 9/8, Tổng thống Trump cho biết ông chưa thể sẵn sàng cho một thỏa thuận quá nhanh chóng. Vì vậy, Nhà Trắng sẽ theo dõi mọi chuyện diễn ra như thế nào.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng phát đi tín hiệu rằng cuộc đàm phán với Trung Quốc dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới tại Washington có thể bị hủy khi nói với các phóng viên rằng: “Chúng tôi sẽ xem xét liệu có tiếp tục cuộc họp vào tháng 9 hay không”.
“Căng thẳng thương mại tiếp tục tác động tiêu cực đến tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường tài chính trong những phiên giao dịch gần đây, vốn rất nhạy cảm với các báo cáo về mối quan hệ Mỹ - Trung”, chuyên gia Jack Chambers của ANZ Research viết trong bản lưu ý gửi khách hàng hôm 12/8.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bảng Anh tiếp tục giảm mạnh so với đồng USD, xuống còn 1 bảng Anh đối được 1,2015 USD, chạm mức thấp nhất kể từ ngày 17/1/2017.
Tỷ giá đồng USD giảm 0,25% so với đồng yen Nhật, được giao dịch với tỷ lệ 1 USD đổi 105,40 yen.
Chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, hiện ở mức 97,513 điểm.
Các nhà giao dịch hướng sự chú ý đến tỷ giá đồng Nhân dân tệ (NDT), sau khi Bắc Kinh cho phép thiết lập tỷ giá NDT thấp hơn ngưỡng tâm lý 7 USD trong tuần trước sau khi Mỹ thông báo gói thuế mới.
Trong ngày 12/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã đặt tỷ lệ tham chiếu chính thức của đồng NDT so với đồng USD ở mức 7,0211NDT/USD - thấp hơn so với phiên 9/8.
Tỷ giá đồng NDT ở nước ngoài trong ngày 12/8 ở mức 1 USD “ăn” 7,0928 NDT, thấp hơn tỷ lệ 7,07 NDT/USD trong phiên 9/8. Trong khi đó, tỷ giá đồng NDT ở thị trường trong nước ở mức 7,0625 NDT đổi 1 USD, cũng thấp hơn so với mức 7,04 NDT trong phiên trước đó.