Giới đầu tư chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần giao dịch đầy cảm xúc với việc VN-Index giằng co và có lúc tăng áp sát mốc 1.000 điểm nhờ đà bứt phá ấn tượng của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu dầu khí.
Dù nhà đầu tư còn nhiều nghi ngại khi VN-Index tiếp cận vùng 1.000 điểm nhưng với sự hỗ trợ tích cực của nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán thế giới và việc mua ròng mạnh của khối ngoại, diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần tới vẫn được đánh giá là tích cực. VN-Index được kỳ vọng vượt mốc 1.000 điểm.
Khách hàng giao dịch tại sàn giao dịch BVSC. (Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN) |
Xét chung cả tuần qua có thể thấy, thị trường vẫn đang duy trì xu hướng tăng điểm tích cực trên nền thanh khoản tăng. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 1,1% lên 993,35 điểm, trong khi HNX-Index giảm 0,6% xuống 106,4 điểm. Thanh khoản thị trường ở mức khá cao, đạt hơn 4.400 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Thị trường duy trì đà tăng là do sự tăng trưởng luân phiên trong nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Đặc biệt là nhóm cổ phiếu họ Vingroup với VIC tăng 5,3%, VHM (3,6%). Trong khi đó, cổ phiếu đứng đầu ngành thép là HPG còn tăng tới 9,5% cũng là động lực lớn giúp VN-Index tăng điểm. Ngoài ra, thị trường còn được nâng đỡ bởi các ông lớn ngành thực phẩm-đồ uống như SAB tăng 0,7%, MSN tăng tới 4%.
Nhóm dầu khí tuần qua cũng có mức tăng mạnh là nhờ đà tăng của giá dầu thế giới. Theo đó, PLX tăng 2,7%, PVB (4%), GAS (1,8%). Các mã PVS, PVD, PVC đi ngang với biên độ hẹp và thanh khoản thấp.
Thực tế, giá dầu thế giới đã đi lên là động lực giúp nhóm cổ phiếu dầu khí tăng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã tăng khoảng 1,7%, sau khi để mất tới 6% hồi tuần trước. Giá dầu WTI cũng tiến 1,2%, đảo ngược so với mức giảm 7,5% của tuần trước đó.
Theo giới quan sát, mức tăng trưởng quý 2 năm 2019 lạc quan hơn dự kiến của nền kinh tế Mỹ cùng với hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ của người dân đã phần nào củng cố cho triển vọng tiêu thụ năng lượng.
Tuần tới, với sự tích cực của giá dầu, cùng diễn biến của thị trường chung khá vững, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn được đánh giá là tích cực.
Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng giảm nhẹ với một số mã tiêu biểu như: VCB giảm 0,6%, HDB (1,3%), TCB (1,9%), ACB (2,4%), CTG (3%), VPB (3,4%)…
Tuần tới, triển vọng tăng trưởng của nhóm ngân hàng không được đánh giá cao. Tuy nhiên, thị trường chung vẫn khá tích cực nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn luân phiên tăng điểm.
Trong bối cảnh nhóm ngân hàng đang điều chỉnh thì trách nhiệm dẫn dắt thị trường có thể trao lại cho những mã cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc các ngành khác nhau.
Ngoài ra, việc khối ngoại tiếp tục mua ròng 477,8 tỷ đồng trên toàn thị trường cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang rất mạnh mẽ.
Xét đến các yếu tố bên ngoài, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục là nhân tố nâng đỡ thị trường chung. Trong phiên cuối tuần, hai chỉ số chủ chốt của thị trường này là S&P 500 và Nasdaq đã đóng phiên ở mức cao kỷ lục, nhờ số liệu kinh tế tích cực và báo cáo kinh doanh khả quan của doanh nghiệp.
Chốt phiên 27/7, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,19% lên 27.192,45 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,74% lên 3.025,86 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,11% lên 8.330,21 điểm.
Tính chung cả tuần qua, Dow Jones nhích 0.1%, S&P 500 tăng 1.7% và Nasdaq Composite vọt 2.3%. Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh vững mạnh trong quý II/2019 của nhiều doanh nghiệp Mỹ như Alphabet Inc, Intel Corp, Starbucks Corp và McDonald's Corp đã giúp bù đắp lại sự thất vọng từ báo cáo kinh doanh của Amazon.
Một số liệu khác chi phối Phố Wall là thống kê cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong quý II/2019, cao hơn dự kiến của các nhà phân tích, nhờ sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng.
Báo cáo từ khắp các công ty cho thấy, kết quả kinh doanh gia tăng mạnh mẽ. Điều này đã giúp xoa dịu mối lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng suy giảm doanh thu và lợi nhuận.
Chuyên gia Karl Haeling thuộc LBBW nhận định các báo cáo kinh doanh mới được công bố đã củng cố niềm tin rằng nền kinh tế không yếu như một số người lo ngại. Thêm vào đó, thông tin mới về tiến triển trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung cũng tạo đà đi lên cho thị trường chứng khoán.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer dự kiến sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Trung Quốc vào tuần tới để tiếp tục đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý mối lo về khả năng xảy ra Brexit không thỏa thuận dưới thời ông Boris Johnson-người vừa giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành người lãnh đạo đảng Bảo thủ cầm quyền và cũng là Thủ tướng mới thay thế bà Theresa May-cũng có thể là một "cơn gió ngược" đối với thị trường chứng khoán.
Tuần tới, các nhà giao dịch sẽ ngóng đợi các cuộc đàm phán diễn ra tại Trung Quốc nhằm giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày từ 30-31/7 của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ, với dự kiến ngân hàng này sẽ hạ lãi suất lần đầu tiên trong một thập kỷ, cũng là sự kiện thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Như vậy có thể thấy, dù còn nhiều yếu tố khó lường nhưng nhìn chung những thông tin vẫn được đánh giá là tích cực để hỗ trợ thị trường chứng khoán Mỹ và các thị trường chứng khoán trên thế giới; trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam.
Một số công ty chứng khoán cũng cho rằng, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index chạm tới mốc 1.000 điểm sẽ là mốc tâm lý quan trọng khiến giới đầu tư còn nhiều e ngại, nhưng xu hướng chung của thị trường trong tuần tới vẫn được đánh giá tích cực.
Lý giải về việc VN-Index chưa thể vượt mốc 1.000 điểm, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank cho rằng, phiên cuối tuần, ngoại trừ cổ phiếuVCB, khá ít cổ phiếu lớn đứng ra dẫn dắt thị trường. Đây là nguyên nhân chính khiến cho chỉ số không thể tiếp đà bứt phá. Nhưng, đây vẫn là trạng thái điều chỉnh hợp lý của các nhóm cổ phiếu quan trọng, chưa phải là diễn biến quá tiêu cực.
Trong khi đó, các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt-VDSC nhận định, thị trường đang thận trọng trước ngưỡng tâm lý 1.000 điểm. Tuy nhiên, mức độ suy giảm trong phiên cuối tuần chỉ ở mức thấp và vẫn có một số cổ phiếu tăng giá hỗ trợ thị trường. Nhìn chung, xu hướng của thị trường vẫn đang khá tích cực và ngưỡng 1.000 điểm chỉ mang tính chất tâm lý, chưa phải là ngưỡng kháng cự mạnh trong xu hướng hiện tại.
VDSC khuyến nghị, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục có dấu hiệu phân hóa. Nhà đầu tư vẫn có thể khai thác cơ hội tại một số cổ phiếu đã tích lũy mạnh và có dấu hiệu tăng.