Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả

Đinh Nguyễn thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc trò chuyện về thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2018, ông Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn Khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định: Năm 2018, TTCK vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt, VN-Index có thể chạm mốc 1.180 điểm. Dù thị trường có xu hướng tăng, nhưng chưa chắc các cổ phiếu đã đi lên đồng loạt, nên không phải thị trường tăng là mua vào. Bỏ tiền vào các dòng đầu cơ sẽ rất rủi ro.

 Ông Nguyễn Thế Minh - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Sài Gòn
Xu hướng chung của thị trường là tăng điểm
Thời gian qua, các chỉ số trên TTCK liên tục đi lên. Có thời điểm, VN-Index vượt trên 1.170 điểm - quay lại mốc lịch sử năm 2007. Nhiều người lo ngại về việc TTCK tăng trưởng nóng như năm 2007. Ông nhận định gì về điều này?

- Việc TTCK liên tục lập kỷ lục về mức tăng của các chỉ số thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân tiên quyết là do các yếu tố nền tảng của kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt và bền vững. Đà tăng trưởng này không phải là tăng trưởng nóng, mà là tăng trưởng dần đều từ năm 2017 đến nay. Ngoài ra, việc lãi suất duy trì ở mức thấp, tỷ giá ổn định, lạm phát duy trì ở mức ổn định… cũng là các yếu tố thúc đẩy TTCK tăng trưởng.

2 năm gần đây, dòng tiền khối ngoại vào Việt Nam ngày càng lớn, lượng mua ròng đạt mức kỷ lục. Việc Chính phủ thúc đẩy chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), thúc các DN này lên sàn… đã tạo ra một nguồn hàng tốt, phong phú cả về số lượng và chất lượng. Nếu trước đây chỉ có VNM, các cổ phiếu dòng dầu khí… thì thời gian gần đây, việc lên sàn của nhiều DNNN giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn. Việc nới room cho nhà đầu tư ngoại cũng mang lại nhiều kỳ vọng cho TTCK.

Cũng có ý kiến cho rằng, sau khi lên đỉnh, nhiều khả năng thị trường sẽ đi xuống. Ông đánh giá thế nào về triển vọng TTCK Việt năm 2018?

- Xu hướng chung của TTCK vẫn là tăng điểm, trong đó có 2 điểm nhấn lớn sẽ hỗ trợ cho thị trường. Thứ nhất, câu chuyện thoái vốn Nhà nước và niêm yết sẽ vẫn tiếp diễn với số lượng và giá trị đều gia tăng. Thứ hai là việc nâng hạng thị trường. Định hướng của Chính phủ đưa nhiều DNNN cổ phần hóa sẽ niêm yết, một mặt sẽ tăng tính minh bạch của DN, khẳng định rõ hơn về độ chắc chắn, bền vững của TTCK Việt Nam.

Ngoài ra, chủ trương của Chính phủ cũng đang chuyển dần từ thị trường nợ chủ yếu vay nợ ODA sang thị trường vốn, huy động vốn cho các dự án công trên TTCK. Với các yếu tố này, tôi cho rằng, VN-Index không những vững vàng vượt qua mức lịch sử của năm 2007, mà còn có thể lên mốc 1.180 điểm.
 Tìm hiểu thông tin chứng khoán tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Không phải cứ thị trường tăng là mua vào

Vậy theo ông, chứng khoán có phải là một kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2018?

- Tôi cho rằng, triển vọng TTCK vẫn là kênh đầu tư hiệu quả trong năm 2018. Lý do là lãi suất huy động thấp, tiết kiệm không hấp dẫn. Thời gian qua, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản do lo sợ nợ xấu đã khiến mức sinh lời của thị trường này giảm sức hấp dẫn. Tính đầu cơ của thị trường này sẽ không xảy ra, khả năng sinh lời thấp.
Với tỷ giá, thời gian qua, đồng USD đang yếu dần so với các đồng tiền khác trong đó có VND. Vì vậy, tỷ giá cũng không còn hiệu quả. Ngoại trừ trường hợp khi bất động sản nóng trở lại, lãi suất tăng thì TTCK mới giảm hấp dẫn. Còn năm nay, thị trường này vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả.

Từ đầu năm 2018 đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng đa số đều tăng giá tốt. Bởi vậy, nhiều nhà đầu tư lo ngại, khi tăng giá quá nhiều, dư địa sinh lời của nhóm cổ phiếu này gần như không còn và giá các cổ phiếu sẽ sớm điều chỉnh. Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư?

- Cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ dẫn dắt thị trường. Năm 2018, câu chuyện Basel II sẽ là tâm điểm khi hệ số an toàn vốn của các ngân hàng thương mại bắt buộc phải cải thiện. Đồng thời, Nghị quyết số 42/2017/QH14 về nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng giải quyết vấn đề chi phí, tốc độ giải quyết nợ xấu. Theo đó, nhiều ngân hàng đã xử lý nợ xấu hiệu quả, giải phóng dòng tiền dự phòng, phục vụ kết quả kinh doanh của ngân hàng dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận tốt. Mặt khác, việc các ngân hàng tập trung sang mảng bán lẻ cũng giúp lợi nhuận tăng trưởng tích cực hơn.
Trước đây, việc cấp tín dụng bất động sản quá nhiều cho các DN bất động sản khiến khi thị trường bong bóng, đi xuống thì tỷ lệ nợ xấu kinh khủng. Việc dịch chuyển sang mảng bán lẻ đã khiến nhiều ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong tài chính tiêu dùng như VPBank, MB… Lúc kinh tế vĩ mô tốt thì bán lẻ là mảng sinh lời tốt nhất cho ngân hàng. Ngoài ra, một số mã ngân hàng sắp niêm yết như OCB, TPBank, Techcombank… giúp nhà đầu tư có thêm nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ là dòng cổ phiếu thuộc danh mục đầu tư hàng đầu, có tính dẫn dắt thị trường.

Ông có lời khuyên nào cho nhà đầu tư khi chọn kênh chứng khoán trong thời điểm này?

- Năm 2018, thị trường vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, sẽ bị một số rủi ro khi thị trường bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế - chính trị phức tạp của thế giới. Dù thị trường có xu hướng tăng, nhưng chưa chắc các cổ phiếu đã đi lên đồng loạt. Vì thế, không phải thị trường tăng là mua vào. Bỏ tiền vào các dòng đầu cơ sẽ rất rủi ro. Các nhà đầu tư nên đầu tư vào các cổ phiếu Bluchip, nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt thị trường…

Xin cảm ơn ông!
Thu về gần 1.000 tỷ đồng sau phiên đấu giá Hapro
Sáng 30/3, tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) diễn ra phiên đấu giá công ty mẹ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) với giá khởi điểm được xác định là 12.800 đồng/cổ phần (CP), dự kiến thu về tối thiểu 971 tỷ đồng. Kết quả đấu giá, toàn bộ 75,93 triệu CP đã được bán cho nhà đầu tư với tổng giá trị CP đạt hơn 980 tỷ đồng. Mức giá trúng bình quân là 12.908 đồng/CP, giá trúng thấp nhất là 12.800 đồng/CP và mức giá trúng cao nhất là 20.000 đồng/CP. (Lê Nam)