Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuỗi nông sản an toàn: Mất cân bằng lợi ích

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn, Hà Nội đã và đang thực hiện tốt khâu cung ứng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng quản lý chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để mở rộng và phát triển các chuỗi này, TP còn nhiều việc cần phải làm.

Sản xuất rau hữu cơ theo chuỗi tại nông trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất). Ảnh: Ánh Ngọc
Ngổn ngang khó khăn
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 121 chuỗi nông sản an toàn và hỗ trợ các hợp tác xã (HTX), DN nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm trong chuỗi; nhân rộng mô hình chuỗi an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn TP. Để thuận lợi trong tiêu thụ, từ đầu năm đến nay, Hà Nội hỗ trợ các HTX, DN tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại nhiều hội chợ trong nước. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển IDE triển khai lựa chọn cơ sở để hỗ trợ xây dựng và áp dụng tem điện tử thông minh QRcode truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Các DN, HTX cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm chuỗi để người tiêu dùng biết đến và sử dụng. Chính quyền địa phương cần tích cực nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, hộ gia đình và cộng đồng trong lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Tuy nhiên, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định, công tác kết nối các khâu của chuỗi giữa cơ sở sản xuất với cơ sở kinh doanh còn lỏng lẻo, chưa ký kết được các hợp đồng ổn định lâu dài, chưa có kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp. Đáng nói, hiện nay, cơ chế, chính sách trong xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn chưa rõ ràng và cụ thể; lợi nhuận phân phối chưa công bằng giữa các tác nhân trong chuỗi. Trong đó, người kinh doanh bán buôn, bán lẻ nhận được nhiều lợi nhuận hơn so với người sản xuất; kinh phí đầu tư phát triển sản xuất rau, quả, thịt, cá an toàn còn ít, khó mở rộng, khó duy trì mô hình sản xuất an toàn. Đó là chưa kể, sản phẩm chuỗi được xác nhận còn khiêm tốn, công tác quảng bá sản phẩm chuỗi chưa thường xuyên do thiếu kinh phí.

Cần chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ về những khó khăn khi tham gia chuỗi nông sản an toàn, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc Trương Kim Hoa (huyện Thạch Thất) cho hay, hiện nay, DN đang xây dựng chuỗi rau với thương hiệu rau sạch Đại Ngàn, mỗi ngày cung cấp cho thị trường 4 - 5 tấn rau các loại. Tuy nhiên, việc mở rộng, phát triển chuỗi còn gặp trở ngại do tâm lý người tiêu dùng vẫn quen mua nông sản, thực phẩm tại chợ truyền thống, chưa quan tâm đến mặt hàng nguồn gốc xuất xứ, mặt hàng có tem nhãn. Đây là nguyên nhân chưa thúc đẩy các cơ sở, DN tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đầu tư, phát triển.

Ông Trần Mạnh Chiến - chủ chuỗi cửa hàng nông sản sạch Bác Tôm cho rằng, việc sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn theo chuỗi nói chung, cần nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, hệ thống hỗ trợ, phân phối sản phẩm nông sản chưa đủ mạnh, giá thành còn cao gây khó khăn cho DN khi đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, TP cần hỗ trợ thêm trong kết nối sản xuất, phân phối, xây dựng, quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm sạch để tạo niềm tin trong tiêu dùng.

Để tháo gỡ khó khăn trong phát triển chuỗi nông sản an toàn, DN và HTX đóng vai trò then chốt trong khâu tiêu thụ nông sản an toàn cho nông dân. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Sở đang tiếp tục tham mưu TP hỗ trợ các đơn vị này đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, điều tiết lợi ích giữa các khâu trong chuỗi liên kết. Đặc biệt là phát triển chuỗi truy xuất nguồn gốc đến hộ gia đình, gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng. Cùng với đó, tuyên truyền, phổ biến các quy định về ATTP, đào tạo kiến thức ATTP cho người tham gia sản xuất; vận động các DN, HTX, chủ trang trại chủ động liên kết, hỗ trợ nông dân trong khâu sản xuất.