Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuỗi sản xuất nông nghiệp Việt Nam đang bị đứt gãy

Thiên Tú (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên lề Hội thảo quốc tế “Những yêu cầu mới về tiêu chuẩn để nông sản, thực phẩm Việt hội nhập” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 23/5, ông Nestor Scherbey - cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu chia sẻ, nông sản Việt Nam còn nhiều thách thức khi tiếp cận thị trường Mỹ.

Càng kiểm tra, càng rủi ro

Theo ông Nestor Scherbey, vấn đề lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam là khả năng truy xuất nguồn gốc cũng như việc ứng dụng thực hành nông nghiệp tốt còn có những hạn chế nhất định. Điều đó thể hiện sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất ở Việt Nam. Hiện nay, nông dân mua thuốc trừ sâu, thuốc hóa học và sử dụng nước không rõ nguồn gốc, chủ yếu đại lý bán như thế nào thì nông dân dùng như vậy. Do đó, phải có giải pháp cho vấn đề này.

Ông Nestor Scherbey thông tin thêm, trong 3 năm trước, số lượng lô hàng nông sản của Việt Nam bị trả về là gần 900, nước thứ 2 có số lượng bị trả về nhiều nhất tại Mỹ. Lý do chủ yếu liên quan tới tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều này là do sự đứt gãy trong chuỗi sản xuất của Việt Nam. Thực tế, nông dân không biết loại thuốc trừ sâu nào hiệu quả và điều này cũng một phần từ các thương lái bán thuốc trừ sâu. Họ sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và nghĩ rằng, năng suất sẽ cao hơn nhưng không hoàn toàn đúng.
Ông Nestor Scherbey - Cố vấn Cấp cao Liên minh thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.
"Bên cạnh đó, nếu chế biến không theo điều kiện vệ sinh, sử dụng dụng cụ hợp lý thì sẽ xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm. Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng không có đủ các phòng thí nghiệm để kiểm tra chính xác về chất lượng sản phẩm. Đây là một điều rất quan trọng nếu muốn xuất khẩu vào Mỹ" - ông Nestor Scherbey nói.

Tại thị trường Mỹ có hai cơ quan chính phụ trách kiểm soát ATTP là Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Cụ thể, USDA kiểm tra 100% sản phẩm liên quan tới thịt, gia cầm, sản phẩm sữa và rau quả, còn FDA sẽ kiểm tra các loại sản phẩm nông sản khác. Trước kia, FDA chỉ kiểm tra 2% lô hàng và bây giờ, với cách tiếp cận mới, họ tăng cường số lượng kiểm tra hơn và càng kiểm tra nhiều thì càng rủi ro bị trả về.

Đây là gánh nặng lớn cho những doanh nghiệp phân phối thực phẩm, nhà sản xuất thực phẩm và người trồng vì những quy định thực phẩm mới này. Đồng thời, doanh nghiệp nhập bán thực phẩm tại Mỹ phải đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ an toàn cho dù họ nhập ở đâu, bao gồm cả Việt Nam. Họ sẽ phải tới nước cung cấp sản phẩm tối thiểu 1 năm/lần và kiểm tra về quy trình an toàn thực phẩm của nhà cung cấp.

Hiện nay, Mỹ cũng vẫn chưa nói sẽ tăng cường kiểm tra bao nhiêu phần trăm số lô hàng xuất khẩu sang thị trường này. Đây là rủi ro lớn đối với nhà xuất khẩu của Việt Nam.

Quan tâm đào tạo nông dân

Ông Nestor Scherbey cho biết, ông đã biết rất nhiều nông sản của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm. Do đó, một chương trình quy mô lớn đào tạo cho nông dân phải được thực hiện. Trong đó bước đầu tiên là tất cả những quy định khó khăn nhất liên quan tới quy định trong Luật pháp Mỹ. Những chương trình này có thể do Chính phủ hoặc Hiệp hội kinh doanh đào tạo và phổ biến quy định đó tới nông dân Việt Nam. Đồng thời, tổ chức các buổi hội thảo để phổ biến những tiêu chuẩn này và giúp các nhà sản xuất, doanh nghiệp đáp ứng được những quy định đó. Điều này sẽ giúp sản phẩm nông sản Việt Nam có thể tiếp cận được thị trường Mỹ và ngay cả người tiêu dùng tại Việt Nam.

Đây là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, vấn đề an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề quan trọng trên khắp thế giới và Việt Nam muốn xuất khẩu được thì phải đáp ứng được những quy định này.

“Có dự án mà tôi đã biết đến là sản xuất cà phê của một công ty lớn. Họ trình diễn hai bên cho nông dân xem, một bên là thực hành truyền thống và một bên là thực hành tốt và để hướng dẫn nông dân. Do đó, đây không nên chỉ là nỗ lực của doanh nghiệp mà cần phải là nỗ lực của cả quốc gia, cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn hoặc là một tổ chức tương tự trong việc định hướng lại sản xuất cho nông dân trong lĩnh vực này”, ông Nestor Scherbey cho hay.

Theo ông Nestor Scherbey, nếu nhà nhập khẩu và cả xuất khẩu thực phẩm không đáp ứng được quy chuẩn một cách cẩn thận thì sẽ rất khó để xuất khẩu sang Mỹ. Vì quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của Mỹ sẽ được áp dụng vào cuối tháng 5/2017. Như vậy, rất nhiều lô hàng đã xuất khẩu hiện nay sẽ thuộc nhóm kiểm tra theo quy định mới và những doanh nghiệp nào chưa chú trọng đúng mức tới quy định mới thì sẽ gặp phải rắc rối.

Việc đầu tiên, các cơ quan quản lý phải có những tìm hiêu cặn kẽ về quy định mới của Mỹ và hài hoà quy định trong nước với quy định thị trường này. Những quy định của Mỹ cũng khá tương đồng so với EU, Nhật Bản… do đó nếu hài hoà quy định về ATTP của Mỹ, EU, Nhật Bản thì sẽ có nhiều sản phẩm nông sản thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi các nước.