Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương Mỹ - hậu phương nghĩa tình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có vai trò to lớn của hậu phương lớn miền Bắc XHCN. Huyện Chương Mỹ là địa phương tiêu biểu, đóng góp nhiều sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đặc biệt, Nhân dân nơi đây đã hết lòng vì sự nghiệp kháng chiến, hiến đất xây dựng trường học cho con em cán bộ miền Nam, nhường nhà ở của mình cho cơ quan, đơn vị, Nhân dân nội thành Hà Nội về sơ tán, để lại những tình cảm cho nhiều cán bộ, Nhân dân mọi miền Tổ quốc đến hôm nay.

Nơi ươm trồng “hạt giống đỏ”

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Phụng Châu là một trong những xã thuộc huyện Chương Mỹ được T.Ư và Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm địa điểm xây dựng nhiều cơ sở vật chất an ninh quốc phòng mang tính chiến lược lâu dài, trong đó có Trường học sinh (HS) miền Nam, nơi ươm trồng những "hạt giống đỏ" phục vụ kháng chiến chống Mỹ cũng như xây dựng miền Nam sau ngày giải phóng Xuân 1975.
Ngôi trường học sinh miền Nam năm xưa, nay là trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội.  Ảnh: Kim Toàn
Ngôi trường học sinh miền Nam năm xưa, nay là trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội. Ảnh: Kim Toàn
Trở lại địa danh này, ông Nguyễn Quang Dũng - Thường trực Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Chương Mỹ và bà Lê Thị Thơm, đại diện CCB xã Phụng Châu đưa tôi đến khu Trường HS miền Nam (nay là trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội). Nhớ lại hơn 50 năm trước, ông Dũng và bà Thơm cho biết, xưa nơi đây rặt chỉ ruộng đồng, cỏ cây… đã được dựng lên ngôi trường cho con em HS miền Nam.

Ngày đó, đất nước còn nghèo, ngôi trường cũng đơn sơ, có các lớp học từ vỡ lòng đến cấp III (nay là THPT); các cháu HS nhỏ tuổi, xa bố mẹ thiếu tình cảm, bà con trong thôn làng coi như con cháu, lúc có củ khoai, củ sắn, hoa quả trồng được đem cho các cháu… Ngôi trường này hình thành hoạt động 10 năm, đã có hàng ngàn lượt HS miền Nam sống và học tập tại đây. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phụng Châu Nguyễn Văn Lâm, từ ngôi trường này, nhiều HS đã trưởng thành, trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, tướng lĩnh quân đội, như Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông Mai Liêm Trực, GS.TS Nguyễn Du Phong - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân… và nhiều cán bộ, nhà khoa học nổi tiếng khác của đất nước.

Ngày nay, ngôi trường trở thành địa chỉ nghĩa tình Bắc - Nam. Xuân Giáp Thân 2004, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải về đặt khối đá ghi dấu ấn lịch sử, trên đó khắc chữ: "Nơi đây từ 1956 - 1966, con em đồng bào miền Nam thuộc các trường HS miền Nam số 04, 12,16, 23, 24, 26, 27 đã được Đảng, Bác Hồ và đồng bào miền Bắc nuôi dưỡng học tập và trưởng thành". Đặc biệt, năm 2014, kỷ niệm 60 năm (1954 - 2014) HS miền Nam học trên đất Bắc, có hơn 500 thầy trò tuổi tuy cao đã về thăm ngôi trường đầy nghĩa tình. Nhiều người trong đoàn nghẹn ngào nói, đây như quê hương thứ hai của họ. Năm nào cũng vậy, hàng chục đoàn cựu thầy trò của trường đang sinh sống trong cả nước về thăm trường vào dịp khai giảng năm học mới, lễ, tết, bày tỏ tri ân Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân địa phương một thời đùm bọc nuôi nấng. Những năm qua, Ban liên lạc cựu HS miền Nam học ở đây đã vận động hỗ trợ kinh phí xây dựng trường Tiểu học Phụng Châu; năm 2003 lập Quỹ khuyến học, hiện có 300 triệu đồng, đặc biệt, giai đoạn 1999 - 2000 đã vận động các cấp, các ngành ở T.Ư đầu tư xây dựng con đường 80B, dài hơn 10km đi quanh xã, góp phần làm đổi thay quê hương Phụng Châu. Ông Lâm cho biết, lần tái bản tới, cuốn Lịch sử cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân xã Phụng Châu sẽ dành hẳn một chương về lịch sử HS miền Nam học tập tại đây để làm cầu nối giáo dục truyền thống cho thế hệ tiếp nối tự hào và noi theo học tập.

Tất cả cho tiền tuyến…
Trong bảng vàng thành tích, huyện Chương Mỹ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 26.866 Huân, huy chương kháng chiến; huân chương Chiến công các hạng; 12 Bằng có công với nước; 26 Kỷ niệm chương; 12.860 Bảng gia đình vẻ vang và Bảng vàng danh dự; 645 Bằng khen của Chính phủ; 2.983 người được tặng Bằng Tổ quốc ghi công; 1.150 người là thương binh các hạng, 163 Mẹ được phong tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện cùng với 7 xã (Trường Yên, Đại Yên, Hòa Chính, Trần Phú, Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tiên Phương) được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chương Mỹ là một trong những địa phương đóng góp nhiều sức người, sức của và nêu cao truyền thống cách mạng. Lúc đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân ra miền Bắc, Đảng bộ, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân huyện Chương Mỹ đã đoàn kết, sát cánh thực hiện khẩu hiệu: "Vừa sản xuất vừa chiến đấu", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", "Tất cả vì miền Nam ruột thịt"... Tính ra, trong 10 năm (1965 - 1975), toàn huyện đã huy động 55.552 lượt người nhập ngũ vào quân đội, tham gia thanh niên xung phong và dân quân du kích (chiếm 40% dân số); Chi viện cho tiền tuyến đã đóng góp 44.415 tấn lương thực, 4.662 tấn thực phẩm và tiền mặt, quần áo tư trang cho bộ đội, tổng trị giá chiếm hơn 10% tổng thu nhập toàn huyện.

Đặc biệt, với lợi thế đất rộng, có rừng, đồi núi, Chương Mỹ còn được T.Ư Đảng và Bác Hồ tin cậy, cho xây dựng nhiều cơ sở quân sự, an ninh quốc phòng quan trọng, để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân cả nước đánh Mỹ. Đồng thời, chia sẻ khó khăn với quân và dân Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh bạn, huyện đã đón nhận 102 đơn vị, cơ quan, trường học (trong đó có 4 trường HS miền Nam) với 15.902 người về sơ tán… Theo lịch sử Đảng bộ huyện, hầu hết các xã đều có cơ quan đơn vị, bộ đội về đóng quân, Nhân dân đến sơ tán, như: Trường Đảng, Cơ quan Bộ Giáo dục, Tòa soạn báo Nhân dân, Viện Quân y 103, Tòa án Tối cao, Tổng cục Phát thanh, Đại học Bách khoa, Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Trường Nhạc họa T.Ư, Trại tằm T.Ư, Công ty Vận tải ô tô số 3, Đoàn địa chất 904… Đại bản doanh Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân (biệt hiệu K12) nhiều lần được các đồng chí Bí thư Thứ nhất Lê Duẩn, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng Văn Tiến Dũng… về hội bàn đưa ra quyết sách quan trọng đối phó với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đặc biệt, ngày 13/7/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến chùa Trầm, dành trọn cả ngày ở đây và Người đã có lời hịch bất hủ: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", trở thành lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết tâm đánh giặc Mỹ đến ngày thắng lợi.

Bên cạnh đó, quân và dân huyện Chương Mỹ chắc tay súng, chiến đấu kiên cường với kẻ thù. Tổng cộng, Nhân dân và lực lượng vũ trang Nhân dân của huyện phối hợp với bộ đội chủ lực xây dựng 47 trận địa, tổ chức hàng trăm trận đánh, bắn rơi 10 máy bay Mỹ, trong đó, lực lượng dân quân tự vệ bằng súng bộ binh đã bắn rơi 5 máy bay của giặc Mỹ (kể cả máy bay F111A - loại máy bay siêu âm hiện đại nhất của Mỹ)…

Đổi mới và phát triển

40 năm qua đi, hôm nay, Chương Mỹ đã có những đổi thay to lớn. Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trần Vũ Lâm, từ năm 2008, thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Chương Mỹ trở thành huyện ngoại thành của TP. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của TP và các cấp, các ngành, huyện Chương Mỹ đã phát huy tiềm năng, lợi thế, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và giành nhiều thành tựu to lớn. Về kinh tế, tổng giá trị sản xuất toàn huyện năm 2008 đạt trên 3.140 tỷ đồng, đến cuối năm 2014 ước đạt 13.252 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần; thu ngân sách hàng năm đều đạt chỉ tiêu pháp lệnh giao và đạt 1.277,3 tỷ đồng năm 2014. Đặc biệt, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 2,4 lần (từ 8,8 triệu đồng năm 2008 lên 22,4 triệu đồng/người vào năm 2014), là kết quả ấn tượng.

Từ huyện thuần nông, đến nay, Chương Mỹ đã có cơ cấu kinh tế tích cực, với tỷ lệ: Công nghiệp chiếm 56%, dịch vụ - thương mại 18%, nông nghiệp giảm còn 26%, trở thành địa phương phát triển mạnh các loại hình kinh tế: Công nghiệp, đầu tư nước ngoài, thương mại, dịch vụ… Toàn huyện có 10 khu công nghiệp thu hút 367 DN vào đầu tư và sản xuất, trong đó có hàng chục DN đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ, như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Huyện còn có 34 làng nghề được công nhận cấp TP, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, với 11.200 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tạo nền tảng quan trọng trên con đường thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Việc xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến nay, 100% số xã đã phê duyệt xong đề án và đồ án xây dựng nông thôn mới. Trong đó, xã điểm toàn quốc Thụy Hương đạt 19/19 tiêu chí; dự kiến năm 2015 thêm 17 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và toàn huyện hoàn thành công tác này vào năm 2020.

Chương Mỹ còn xây dựng được cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu. Đến nay, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 1 và có trường học kiên cố, trong đó có 43 trường đạt chuẩn quốc gia; 84% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa… Huyện luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; công tác cải cách hành chính được tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ chuyên môn nghiệp vụ có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển.

Trên chặng đường phát triển, hôm nay, Chương Mỹ đã trở thành địa bàn quan trọng, có quy mô, diện tích đất tự nhiên rộng trên 230km², gồm 30 xã và 2 thị trấn với trên 30 vạn dân, nằm trong quy hoạch chuỗi đô thị: Miếu Môn - Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây, hứa hẹn tiềm năng phát triển, khu vực cửa ngõ phía Tây Nam TP.

Hướng về kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Chương Mỹ phát huy truyền thống lịch sử cách mạng tiếp tục nỗ lực vươn lên, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2015, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu mạnh.