Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương Mỹ phát triển chuỗi nông sản an toàn

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh gắn với phát triển chuỗi nông sản an toàn, Chương Mỹ đã trở thành địa phương tiêu biểu của TP có nhiều sản phẩm chủ lực, giá trị kinh tế cao.

 Mô hình trồng bưởi Diễn tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ cho hiệu quả kinh tế cao.
Nam Phương Tiến là vùng trồng bưởi Diễn lớn nhất của Chương Mỹ với gần 300ha, trong đó 150ha trong độ tuổi thu hoạch. Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nam Phương Tiến Lê Văn Lanh chia sẻ: “Nhờ trồng bưởi Diễn mà nhiều hộ dân nơi đây đã vươn lên làm giàu. Năm 2018, sản lượng bưởi của xã đạt hơn 2.700 tấn, cho hiệu quả kinh tế đạt trung bình 700 triệu đồng/ha”. Không chỉ có Nam Phương Tiến, đến nay, bưởi Diễn còn được trồng tập trung quy mô lớn tại 7 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ với khoảng 680ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 320ha. Năm 2018, năng suất bưởi của Chương Mỹ đạt 7.500 tấn, giá trị kinh tế đạt 150 tỷ đồng.

Rau an toàn cũng là mặt hàng nông sản chủ lực của huyện Chương Mỹ. Đến nay, toàn huyện có 382ha sản xuất rau chuyên canh. Các vùng sản xuất rau đã được xây dựng hạ tầng giao thông nội đồng. Riêng 2 vùng rau lớn của huyện tại thị trấn Chúc Sơn và xã Thụy Hương với diện tích 145,5ha đã có 5 công ty, đơn vị đến thuê đất, liên kết với nông dân phát triển vùng rau an toàn VietGAP, hữu cơ. Trung bình mỗi năm vùng rau của Chương Mỹ cung ứng cho thị trường Hà Nội hơn 19.000 tấn các loại. Trong đó, sản lượng qua sơ chế, chế biến là 960 tấn/năm, cung cấp chủ yếu cho các siêu thị, trường học, bệnh viện… trên địa bàn TP.

Gạo hữu cơ Đồng Phú là một trong những sản phẩm thế mạnh của Chương Mỹ. Đồng Phú là vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ đầu tiên của Hà Nội áp dụng công nghệ thâm canh tiên tiến của Nhật. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với cấy lúa thông thường mà còn tạo được môi trường sống trong lành và giúp nông dân đoàn kết sản xuất theo nhóm hộ. Để nhân rộng mô hình, Chương Mỹ đã quy hoạch và phát triển các vùng trồng lúa trọng điểm. Đến nay, huyện đã xây dựng được 9 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với tổng diện tích 3.730ha.

Song song với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Chương Mỹ còn chú trọng phát triển các mô hình theo chuỗi nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Với hướng đi đó, đến nay, Chương Mỹ đã xây dựng và phát triển được 12 chuỗi có quy mô lớn, ổn định. Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho hay, để tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, xây dựng nông thôn mới nâng cao, giúp nông dân làm giàu, thời gian tới, Chương Mỹ tập trung phát triển nông nghiệp chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, huyện đầu tư vào những nhóm sản phẩm chủ lực như: Trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng lúa hữu cơ, chăn nuôi gà, lợn theo hướng an toàn sinh học.