Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, Chương Mỹ được phân thành 3 khu vực chính: Vùng bán sơn địa, vùng bãi ven sông Đáy, vùng trũng giữa huyện. Nơi quốc lộ 6 chạy qua có nhiều làng nghề truyền thống, có tiềm năng phát triển nông nghiệp, các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí. Trong đó, tài nguyên du lịch nhân văn, huyện Chương Mỹ có 373 di tích, nổi bật là quần thể danh lam thắng cảnh, di tích cách mạng kháng chiến chùa Trầm; chùa Trăm Gian. Bên cạnh đó, Chương Mỹ có 175 làng có nghề, trong đó có 35 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, nổi bật là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề Yên Trường, Nhật Tiến, Phúc Cầu,… Chương Mỹ cũng rất giàu tài nguyên du lịch tự nhiên với hồ Văn Sơn rộng 168ha, hồ Đồng Sương 200ha, và khu vực bãi ven sông Đáy.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại buổi làm việc, sáng 5/8. |
Tuy có nhiều lợi thế, nhưng du lịch Chương Mỹ vẫn chưa phát triển xứng tầm. 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách du lịch đến huyện đạt khoảng 27 ngàn lượt, chủ yếu là khách tham quan trong ngày. Tính thời vụ khá cao, tập trung vào các tháng 2, 3, 6, 8. Để du lịch Chương Mỹ sớm cất cánh, ông Đinh Mạnh Hùng kiến nghị UBND TP quan tâm, tạo điều kiện có cơ chế chính sách, kế hoạch thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các đề án phát triển du lịch như: hoàn thiện một số tuyến đường phục vụ du lịch, xây dựng một số công trình, khu vui chơi giải trí tại các địa điểm du lịch.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc sáng 5/8. |
Các sở, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện để huyện Chương Mỹ quy hoạch tổng thể di tích chùa Trăm Gian, khu di tích chùa Trầm gắn với qui hoạch thị trấn sinh thái Chúc Sơn; ưu tiên đầu tư ngân sách cho việc tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị của hai di tích này gắn với qui hoạch, kế hoạch phát triển du lịch của TP. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các làng nghề truyền thống phát triển gắn với bảo vệ môi trường để huyện có thể phát huy giá trị trong phát triển du lịch bền vững góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển toàn diện về kinh tế - văn hóa – xã hội. Và tạo điều kiện để huyện có thể khai thác và áp dụng những hướng đi mới trong việc phát triển du lịch. Kết luận tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Du lịch Đỗ Đình Hồng yêu cầu huyện Chương Mỹ rà soát toàn bộ quy hoạch cũng như các tiềm năng lợi thế của huyện để xem những hạng mục, nào huyện có thể đầu tư làm, những việc nào phối hợp với Sở Du lịch làm, và hạng mục nào cùng với Sở kiến nghị UBND hỗ trợ thực hiện. Sau đó, Sở sẽ cùng với huyện sắp xếp các điểm đến thành những sản phẩm, tour hoàn chỉnh. "Trong đó, Chương Mỹ cần đặc biệt ưu tiên cho các điểm đến gắn với chuỗi sản phẩm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái ven sông Đáy để giới thiệu tới các DN, du khách và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng", ông Hồng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ông Hồng đề nghị huyện Chương Mỹ sớm rà soát và xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và các khu dịch vụ hỗ trợ du lịch như: Khu ẩm thực, khu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dành cho văn hóa cộng đồng, khu bảo tồn văn hóa, di sản văn hóa, nhà truyền thống (tổ nghề), và khu thương mại giới thiệu sản phẩm địa phương. Người đứng đầu Sở Du lịch cũng khẳng định sẽ đưa các DN lữ hành, khách sạn, DN kinh doanh dịch vụ du lịch đến hướng dẫn cách làm và đầu tư phát triển du lịch tại huyện Chương Mỹ. Trong thời gian tới, Sở Du lịch sẽ giúp huyện Chương Mỹ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm du lịch; thiết kế các biển, bảng chỉ dẫn du lịch; quảng bá du lịch trong nước và quốc tế… Ngoài ra, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề nghị huyện Chương Mỹ tích cực tham gia các hoạt động và đóng góp cho các hoạt động của ngành du lịch Thủ đô trong thời gian tới như: Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống; Festival Áo dài Hà Nội 2016; chương trình “Ký ức Hà Nội”…