Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Chủ động nhân lực và cơ sở vật chất

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 9/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

Theo Bộ trưởng, sự thành bại của chương trình phụ thuộc vào trách nhiệm của hiệu trưởng các nhà trường, sự quyết tâm của giáo viên và sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương.
25% số trường thiếu cơ sở vật chất

Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, để đáp ứng chương trình mới, tại cấp tiểu học phải đảm bảo đủ lớp học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày thì học sinh mới có thêm thời gian tham gia vào các hoạt động trên lớp để phát huy năng lực, phẩm chất của mình, giảm tình trạng dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, các trường phải đảm bảo có phòng tin học và phòng học cho một số môn học khác. Trong khi đó, theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, hiện cả nước còn khoảng 25% số trường chưa đủ cơ sở vật chất, giáo viên đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày. Vấn đề thiếu trang thiết bị học tập cũng là một bất cập mà Bộ đang yêu cầu các trường rà soát để bổ sung.
 Giờ ôn tập của cô và trò trường THPT Việt Đức. Ảnh: Công Hùng
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, việc đảm bảo cơ sở vật chất chuẩn bị cho chương trình GDPT mới là trách nhiệm của các địa phương. Trong giai đoạn 2017 - 2024, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để cải tạo, sửa chữa và tự làm thiết bị dạy học, xây dựng kế hoạch đầu tư, mua sắm bổ sung có chọn lọc phù hợp với lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT mới. Đặc biệt, chỉ đạo để các cơ sở giáo dục phát huy cao độ tính chủ động, tự chủ trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình và sách giáo khoa, tránh thụ động, trông chờ sự đầu tư từ T.Ư và địa phương.

Không để thừa, thiếu giáo viên

Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT Hoàng Đức Minh cho hay, theo rà soát, hiện cả nước đang thiếu khoảng khoảng 19.000 giáo viên tiểu học, 10.000 giáo viên THCS, 3.000 giáo viên THPT. Riêng cấp THCS, do không điều tiết giáo viên được giữa các tỉnh, TP nên đến thời điểm hiện tại mặc dù thiếu khoảng 10.000 giáo viên một số môn nhưng vẫn thừa 12.000 giáo viên môn khác. Về ý kiến lo ngại thừa, thiếu giáo viên khi thực hiện dạy tích hợp môn theo chương trình GDPT mới, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Xuân Thành cho hay, mặc dù là tích hợp nhưng so với chương trình hiện hành không bỏ môn nào nên không lo thừa giáo viên. “Trong những môn tích hợp vẫn có những mạch riêng của các phân môn nên cơ bản giáo viên môn nào vẫn phụ trách phần học của môn đó trong môn tích hợp, với những chuyên đề chung các giáo viên trong tổ chuyên môn sẽ xây dựng kế hoạch và phân công giáo viên phụ trách mỗi chuyên đề hợp lý” - ông Thành cho hay.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ chú trọng tới việc bồi dưỡng giáo viên, tập huấn cho cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng. Theo ý kiến của một số lãnh đạo ngành giáo dục của địa phương, vấn đề đào tạo giáo viên theo chương trình mới phải kết hợp cả đào tạo trực tuyến và trực tiếp, quá trình đào tạo tạo hứng thú cho giáo viên, để giáo viên có cơ hội trao đổi.

Về phía Hà Nội, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho hay, các trường ở Hà Nội đã chủ động sẵn sàng đón nhận chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, theo ông Dũng, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành nội dung chương trình bồi dưỡng giáo viên, nếu có thể nên sớm công bố một bộ sách giáo khoa để nhà trường, giáo viên nghiên cứu, từ đó có thể tự đào tạo ngay trong nhà trường. “Chúng tôi cũng cần quy chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất để Hà Nội chuẩn bị tốt hơn. Bên cạnh đó, Hà Nội mong nhận được sự chia sẻ và những giải pháp của Bộ GD&ĐT để giải quyết trình trạng quá tải HS trong một lớp tại một số trường hiện nay” - ông Dũng bày tỏ.