Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Nỗi lo về giáo viên

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo viên (GV) là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục. Nhưng hiện tại, nhiều chuyên gia lo ngại sức ỳ, ngại đổi mới của GV sẽ là những hạn chế không nhỏ trong đổi mới giáo dục.

Nỗi lo thừa  -  thiếu
Theo báo cáo kết quả rà soát thực trạng đội ngũ GV hiện nay và dự báo nhu cầu khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước thiếu khoảng 5.616 GV tiếng Anh, 5.607 GV Tin học cấp tiểu học. Căn cứ vào lộ trình triển khai, bắt đầu từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2023 - 2024, mỗi năm sẽ phải tuyển bổ sung khoảng 2.000 GV tiếng Anh và 2.000 GV Tin học.
Nếu cấp tiểu học xảy ra tình trạng thiếu GV, thì cấp THCS lại đang thừa 9.246 GV. Bộ kiến nghị có thể tạm dừng tuyển mới để giải quyết tình trạng thừa GV cấp THCS. Về cấp THPT, số được tuyển mới bổ sung thay thế GV nghỉ hưu hằng năm sẽ khoảng 1.507 người, cộng với số GV cần tuyển mới do tăng quy mô học sinh là 2.250 người. Trên cơ sở số GV đang thừa khoảng 8.874 người, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương tính toán nhu cầu tuyển mới hợp lý, trong đó ưu tiên tuyển 5.400 GV dạy các môn nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) để bắt đầu áp dụng từ năm 2021. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết, với một số môn mới đưa vào chương trình sẽ phải tuyển mới hoàn toàn.
 Giờ học của cô và trò trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa. Ảnh: Phạm Hùng.
Tại Hà Nội, theo rà soát của Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ, hiện TP đang thiếu hơn 9.800 GV và nhân viên trong ngành giáo dục. Trong đó, số lượng GV thiếu hơn 9.100 người và trên 600 nhân viên. Tuy nhiên, theo chủ trương của Thành ủy Hà Nội, năm 2018 sẽ tạm dừng thi tuyển viên chức cho ngành này. Đây là khó khăn mà lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội phải tìm hướng khắc phục.
Lo giáo viên ngại đổi mới
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông: Công tác chuẩn bị đội ngũ GV đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới là một nhiệm vụ quan trọng. GV sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của đổi mới giáo dục.
Bàn về chất lượng GV cho chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Lê Hồng Vũ - Trưởng Phòng GD&ĐT quận Tây Hồ cho rằng, không lo chất lượng, trình độ GV khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới mà lo GV không nhiệt tình đổi mới. Còn nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc thì nhấn mạnh, GV là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của giáo dục. Vì vậy, trước yêu cầu đổi mới, cần quan tâm đến đào tạo chất lượng đội ngũ GV. Với TP Hà Nội, số lượng GV thiếu khá lớn, khó đảm bảo chất lượng, vì vậy TP nên nghiên cứu sắp xếp, bố trí đủ giáo viên để đảm bảo yêu cầu đổi mới chất lượng dạy - học.
Ở khía cạnh khác, TS Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên nhận định, khó khăn đối với các môn tích hợp là GV hiện nay vốn chỉ được đào tạo môn học riêng rẽ và quen với việc dạy 1 môn. Vậy nên khi dạy môn có kiến thức rộng và tổng hợp, chắc chắn sẽ hạn chế. Ngoài ra, việc triển khai bộ môn này sẽ gặp khó về phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất, sắp xếp thời khóa biểu... Tuy nhiên, thuận lợi là Bộ GD&ĐT đã có bước chuẩn bị cho GV về các phương pháp dạy học tích hợp, xây dựng chủ đề tích hợp trong nhiều năm nay và có bước chạy đà chính là chương trình mô hình trường học mới VNEN. Nếu GV thực sự tâm huyết và tập trung trau dồi kiến thức, đồng thời tham gia hiệu quả các buổi tập huấn của Bộ GD&ĐT về chương trình mới, sẽ không lo ngại.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã lên kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng GV, trong đó các trường sư phạm sẽ đào tạo GV dạy các môn theo chương trình môn học mới như: Lịch sử và địa lý, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội... Bộ cũng sẽ thực hiện lộ trình lựa chọn GV cốt cán bồi dưỡng trước, sau đó, sẽ tổ chức bồi dưỡng GV đại trà qua mạng. "Quan trọng nhất là GV tâm huyết, nhiệt tình đổi mới để truyền lửa cho học sinh" - ông Minh khẳng định.