Gần 1.200 tỷ đồng hỗ trợ công nghiệp nông thôn
Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại Hội nghị sơ kết Chương trình Khuyến công quốc gia (KCQG), giai đoạn 2014 - 2018 diễn ra sáng 24/4/2019. Hội nghị do Bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tổ chức.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung cho biết, tính đến nay, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công giai đoạn 2014 - 2018 của cả nước đã được phê duyệt là hơn 1.186,2 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí KCQG là 481,4 tỷ đồng, chiếm 40,58 % tổng kinh phí, đạt 39,72% so với kinh phí KCQG dự kiến theo kế hoạch; Kinh phí khuyến công địa phương là 704,8 tỷ đồng, chiếm 59,42% tổng kinh phí.
Kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn 2014 - 2018, đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề, nâng cao tay nghề cho hơn 18.000 lao động nông thôn. Trong đó, đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho hơn 17.900 lao động, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trung bình đạt trên 90%. Hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho 10.240 học viên tại các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) thông qua các lớp đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý, điều hành, đào tạo nâng cao nhận thức và khả năng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng và áp dụng các công cụ nâng cao năng suất chất lượng.
Chương trình cũng đã hỗ trợ xây dựng 210 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới để giới thiệu các mô hình điển hình này tới các cơ sở CNNT tại các địa phương. Hỗ trợ cho 630 cơ sở CNNT chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm.
Cũng trong gia đoạn 2014 - 2018, Chương trình KCQG đã tổ chức thành công 15 hội chợ triển lãm hàng CNNT tiêu biểu cấp khu vực. Năm 2016, 2018, tổ chức 2 triển lãm, hội chợ hàng CNNT tiêu biểu cấp quốc gia tại Hà Nội. Gắn liền với các hội chợ triển lãm, có 9 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực và 2 cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia vào năm 2015 và 2017.
Thông qua đó, Chương trình đã tôn vinh 610 sản phẩm cấp khu vực và 202 sản phẩm cấp quốc gia có chất lượng, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó đã hỗ trợ 48 cơ sở CNNT xây dựng, đăng ký thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời hỗ trợ 4.363 lượt cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và ngoài nước.
Chương trình đã hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cho 22 địa phương. Tổng số có 45 cụm công nghiệp được hỗ trợ; trong đó có 26 đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, 19 đề án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, hàng năm, để hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công, chương trình đã tổ chức 3 Hội nghị khuyến công vùng tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công, trao đổi kinh nghiệm trong triển khai thực hiện các đề án khuyến công đảm bảo tính thống nhất chặt chẽ và hiệu quả; tăng cường tính liên kết vùng, liên kết giữa các cơ sở CNNT trên địa bàn các tỉnh, thành phố.
Còn nhiều thách thức
Đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của Chương trình KCQG trong 5 năm vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, Chương trình đã được triển khai thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển CNNT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng nhận định, thời gian tới, việc triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi những tác động của nền kinh tế trong và ngoài nước.
Hoạt động sản xuất công nghiệp có xu hướng chậm lại do hoạt động thương mại trên thế giới đang có chiều hướng chững lại; hàng hóa sản xuất trong nước, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng sẽ phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu theo lộ trình giảm thuế của các FTA...
Do vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị, thời gian tới, UBND và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần tiếp tục tập trung hỗ trợ các nội dung, hoạt động hiệu quả của chương trình như xây dựng và nhân rộng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến.
Chú trọng hỗ trợ phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông thôn, có giá trị tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn và phải tạo được nhiều việc làm hơn nữa cho lao động nông thôn, gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
Đặc biệt, phải chú trọng các hoạt động sáng tạo, các chỉ số tác động về giá trị gia tăng, tiến bộ về công nghệ, xã hội, môi trường. Tạo mọi điều kiện cho các cơ sở CNNT thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số thông qua chính sách khuyến công. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp.