Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Hướng đến nông thôn mới bền vững

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030” ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên cả nước.

Bởi thông qua chương trình này sẽ góp phần cơ cấu lại kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị gia tăng và hướng đến xây dựng NTM bền vững.

Hiệu quả được kiểm chứng

Kinh nghiệm các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc... khi xây dựng, triển khai chiến lược phát triển kinh tế đất nước đã rất chú ý đến phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn theo hướng nội sinh với các nguồn lực sẵn có làm động lực như đất đai, tài nguyên, điều kiện địa lý... Điển hình, phong trào “Mỗi làng, một sản phẩm” của Nhật Bản vào những năm 70 của thế kỷ trước, đã gắn kết được các hoạt động sản xuất nông nghiệp với chế biến nông sản, tạo ra nhiều công ăn, việc làm, tăng giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân nông thôn. Số lượng sản phẩm thủ công được làm và bán ra tăng từ 143 loại sản phẩm, thu nhập 35,9 tỷ Yên khi phong trào mới bắt đầu lên 336 loại sản phẩm và cho thu nhập 141 tỷ Yên vào năm 2001.

Sản phẩm mây tre đan của làng nghề Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện

Tại Việt Nam, phong trào OCOP cũng được triển khai khá hiệu quả tại Quảng Ninh trong giai đoạn 2013 – 2016, tạo ra động lực phát triển kinh tế nông thôn nhằm thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Điều đáng chú ý, chương trình đã có sự tham gia đầy đủ của các “nhà”, đặc biệt là Nhà nước với hệ thống chính quyền từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Đồng thời có tổ chức điều tra, thu thập thông tin, đánh giá các sản phẩm chủ lực, truyền thống, đặc trưng mang tính chất vùng xã, liên xã, các sản phẩm mang đặc trưng cả tỉnh. Trên cơ sở phát triển sản phẩm, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và trên 50 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã, đưa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương được đầu tư, khai thác có hệ thống. Theo thống kê, doanh số bán hàng trong 3 năm qua từ phong trào này của tỉnh Quảng Ninh đạt hơn 670 tỷ đồng, vượt gấp 3 lần so với đề án đặt ra.

Tạo sự phát triển bền vững

Khu vực nông thôn Việt Nam có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, là khu vực giữ sự cân bằng về hệ sinh thái và xã hội. Đây cũng là nơi sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, nơi có các nghề thủ công truyền thống và có nguồn lực lao động ban đầu - vốn quý trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình xây dựng NTM đang triển khai hiện nay đã mở ra hướng phát triển kinh tế đa dạng dựa vào lợi thế từ mỗi địa phương theo hướng tăng giá trị gia tăng. Tuy nhiên, qua hơn 5 năm triển khai chương trình, sự chuyển biến trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn còn chậm, do việc xác định sản phẩm lợi thế cũng như công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế.

Với tinh thần cả quốc gia khởi nghiệp theo phát động của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cần có sự khởi nghiệp của đội ngũ nông dân đông đảo hiện nay, nhưng được tổ chức khoa học với sự chỉ đạo, hỗ trợ, dẫn dắt của Nhà nước. Qua đó, nông dân đứng trong tổ chức kinh tế của chính họ là các DN, HTX, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế từ những lợi thế của mỗi địa phương trong cả nước. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ chủ trương xây dựng chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu là sản xuất các sản phẩm truyền thống, có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần gia tăng giá trị. Thông qua đó, hạn chế nông dân di cư ra TP, bảo vệ môi trường và phát triển khu vực nông thôn Việt Nam bền vững.

Theo ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng Ban Điều phối NTM T.Ư, mục tiêu cụ thể là tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao ở cả ba cấp độ: Sản phẩm cấp quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm cấp huyện, xã mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.

Trước mắt, trong giai đoạn 2017 – 2019, sẽ lựa chọn 9 tỉnh, TP chỉ đạo điểm theo vùng kinh tế gồm: Hà Giang, Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bến Tre. Đây là những địa phương có điều kiện đa dạng về sản phẩm, dịch vụ du lịch phát triển và cũng là địa phương có nhiều xã còn khó khăn.

Ông Nguyễn Minh TiếnChánh Văn phòng Ban Điều phối NTM T.Ư