Như thường lệ, vào 14 giờ ngày 2/9, Bộ TT&TT giao cho báo Vietnamnet tổ chức chương trình hòa nhạc quốc gia mang tên “Điều còn mãi”. Năm nay, chương trình phát trực tuyến với chủ đề “Việt Nam muôn năm” thể hiện rõ tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, gần nhất là cuộc chiến chống Covid-19.
Một số tác phẩm nổi bật: "Quê hương" của nhạc sĩ Lưu Cầu viết cho violon và piano do Bùi Công Duy và Trinh Hương trình diễn, “Trở về đất mẹ” của Nguyễn Văn Thương viết cho cello và piano do Ngô Hoàng Quân và Phó An My biểu diễn. Hợp xướng “Hồi tưởng” của nhạc sĩ Hoàng Vân, “Ca ngợi Tổ Quốc” của Hồ Bắc do NSƯT Đăng Dương và dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam trình diễn. Một số tác phẩm thanh nhạc: “Trường ca sông Lô”, “Bên kia sông Đuống”, “Bài ca hy vọng”... cũng sẽ được các ca sĩ nổi tiếng trình diễn.
“Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” do Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tường thuật trực tiếp trên VTV1 vào lúc 20 giờ 10 tối 1/9. Kết cấu ba chương gồm: Đất nước, Khát vọng hòa bình và Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ. Chương trình với nhiều tác phẩm đi cùng năm tháng như “Đất nước”, “Đất nước lời ru”, “Đêm thành phố đầy sao”, “Đường chúng ta đi”, “Giải phóng Điện Biên”, “Đất nước tình yêu”, “Hà Nội niềm tin và hy vọng”, “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”.
Chương trình nghệ thuật quy tụ nhiều nhà hát, dàn nhạc giao hưởng quốc gia và các nghệ sĩ gạo cội như NSND Tạ Minh Tâm, Quốc Hưng, NSƯT Đức Long, Vân Khánh, Tố Nga, ca sĩ Trọng Tấn, Tân Nhàn, Phạm Thu Hà, Đào Tố Loan.
“Lời thề độc lập” là chương giao lưu nghệ thuật, phát sóng trực tiếp 20 giờ 10 tối 2/9 trên VTV1. Nhà báo Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí trực tiếp tham gia thực hiện, dẫn dắt chương trình. Điều mới mẻ của chương trình là, các phóng sự được thực hiện ở nhiều nơi trong đó có hành trình lên cột mốc 108 (Cao Bằng) là nơi Bác Hồ đặt chân về nước sau 30 năm bôn ba.
Tinh thần độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển tải sinh động qua cuộc trò chuyện với PGS.TS. Vũ Quang Hiển tại hai địa danh Lán Khuổi Nặm và Pác Bó. Ê kíp còn thực hiện các phóng sự tại Tuyên Quang, Hà Nội và nhiều địa điểm khắp vùng miền. Bên cạnh phóng sự còn có tái hiện tư liệu, sân khấu và các tiết mục âm nhạc, các cuộc giao lưu với nhà sử học, nhân chứng lịch sử.
Triển lãm sách trực tuyến mừng Ngày độc lập, diễn ra từ 1 - 15/9 tại địa chỉ Book365.vn. do Bộ TT&TT chỉ đạo. Do dịch bệnh nên Ban Tổ chức thay đổi hình thức triển lãm và hội chợ sách, mở ra cơ hội tham quan triển lãm cho độc giả khắp các tỉnh, thành, nhất là vùng sâu, vùng xa. Khoảng 1.000 tư liệu sách, tranh, ảnh video chọn lọc từ 30 đơn vị xuất bản chuyển tải lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và đặc biệt là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. Độc giả không chỉ được tham quan, còn có cơ hội mua sách với ưu đãi miễn phí vận chuyển.
Cũng vào dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bộ VHTT&DL giao Cục Điện ảnh tổ chức Đợt phim chào mừng. Các tác phẩm được lựa chọn: Người lính thầm lặng, Ký ức Long Châu, Quê lụa Tân Châu, Tắc kè phá án. Tuy nhiên, Bộ cũng lưu ý, việc tổ chức đợt phim này chỉ được thực hiện tại các địa phương khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát an toàn, đồng thời tuân thủ theo các quy định về phòng, chống dịch bệnh do Bộ Y tế ban hành.
Bảo tàng Hồ Chí Minh mở trưng bày chuyên đề cấp quốc gia Việt Nam - Độc lập tự cường, với 100 tài liệu, hình ảnh Độc lập tại Hoàng thành Thăng Long từ 31/8, tập trung vào ba nội dung: Khát vọng độc lập dân tộc, Ngày độc lập, Sự lan tỏa của khát vọng độc lập. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tổ chức hình thức trưng bày online.
Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự đầu tư bài bản của các Ban Tổ chức, các chương trình nghệ thuật chào mừng 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vẫn sẽ hứa hẹn là nơi thăng hoa của nghệ thuật để chuyển tải các giá trị văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc.