Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam: Đầu tư phát triển cần xem xét đến rủi ro kép từ thiên tai, dịch bệnh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong khi mùa mưa bão năm 2021 cũng bước vào giai đoạn cao điểm. Bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã có những khuyến nghị giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ, bảo đảm an toàn cho các nhóm đối tượng yếu thế trước thiên tai, dịch bệnh kép.

Vận chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào vùng lũ tỉnh Quảng Trị năm 2020. Ảnh: Tiến Nhất.
Bão số 5 đang hoành hành ngoài biển Đông cùng thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước là điều chưa từng xảy ra. UNDP đánh giá như thế nào về nguy cơ kép này đối với người dân Việt Nam, nhất là các nhóm đối tượng yếu thế?
- Thiên tai và dịch bệnh không phân biệt một ai và đều tác động đến tất cả mọi người. Trong số đó, các hộ gia đình nghèo, người già, trẻ em, người khuyết tật và nhóm dân tộc thiểu số là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chúng tôi nhận ra xu hướng tương tự trong tác động của dịch Covid-19 hiện nay, những nhóm đối tượng yếu thế này đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, bởi họ chiếm một phần không nhỏ trong lao động nhập cư, là những người đang đối mặt với những tác động nghiêm trọng đến từ đại dịch.
Thực tế sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và nhiều trận bão lũ liên tiếp, thông qua các đối tác địa phương, chúng tôi được biết những hộ gia đình nghèo, cận nghèo có con nhỏ, người già, người mắc bệnh mãn tính hoặc người khuyết tật rất bị hạn chế trong việc xoay sở trước tình hình này. Đồng thời, đại dịch đã dẫn đến nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và trợ cấp xã hội của chính quyền Trung ương và địa phương, cũng như của cộng đồng và các nhóm từ thiện trong khu vực.
UNDP đánh giá thế nào về sự chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, cũng như những nỗ lực của Việt Nam đối với mục tiêu khống chế dịch bệnh Covid-19 thời gian qua?
- Việt Nam đang rất chủ động trong công tác kiểm soát và phòng, chống thiên tai trên cơ sở áp dụng các cơ chế quản lý rủi ro rất hiệu quả. Quản lý thiên tai đã được đề cao trong chương trình nghị sự. Chính phủ cũng đã kết nối chặt chẽ giữa việc quản lý thiên tai và xây dựng khả năng chống chịu lâu dài.
Đặc biệt, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công của toàn thế giới về việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Phương pháp tiếp cận truy vết và xét nghiệm sàng lọc của Việt Nam, cũng như công khai minh bạch trước truyền thông là chìa khóa dẫn đến sự thành công này.
Nông dân trồng thanh long tại tỉnh Bình Thuận từng gặp khó khăn lớn trong dịch bệnh, thiên tai năm 2020. Ảnh: Duy Hiển
UNDP có khuyến nghị giải pháp gì đối với Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh, TP của Việt Nam nhằm kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ tác động kép từ thiên tai và dịch bệnh Covid-19?
- Thông điệp 5K của Chính phủ Việt Nam gồm: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế là một biện pháp dễ nhớ để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 trong cuộc sống hàng ngày, cũng như trong việc phòng ngừa và ứng phó với thiên tai. Mỗi cá nhân cần lưu tâm đến vai trò của mình, luôn cảnh giác và thực hiện 5K với sự hỗ trợ, hướng dẫn từ chính quyền và lực lượng tuyến đầu chống dịch các cấp.
Việt Nam cũng cần có những biện pháp cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội tại các điểm nóng bùng dịch, không phân biệt tình trạng cư trú. Đây là một sáng kiến mới rất quan trọng của chính quyền TP Hồ Chí Minh trong tình hình dịch bệnh bùng phát hiện nay và cần được xem xét để nhân rộng ra những địa điểm khác.
Bên cạnh đó, khi các địa phương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những công trình công cộng là biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Những công trình này mang lại hiệu quả bởi vì chúng phục vụ nhu cầu cá nhân, mang lại việc làm và thu nhập tạm thời cho một số nhóm người yếu thế.
Biến đổi khí hậu đang diễn ra và thiên tai vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến sinh kế cũng như các hoạt động kinh tế ở Việt Nam, trong khi đại dịch Covid-19 cũng sẽ là một phần của cuộc sống hàng ngày trong nhiều năm tới. Làm gì để khắc chế được điều này, thưa bà?
- Chúng ta cần đảm bảo các khoản đầu tư phát triển có tính đến thông tin về rủi ro và được thiết kế nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các nhóm yếu thế trước thiên tai và đại dịch. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương cần xem xét đến những rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu, từ đó đảm bảo tất cả đầu tư đều góp phần vào phát triển bền vững và xây dựng khả năng chống chịu của cộng đồng trước những mối nguy cơ này.
Xin cảm ơn bà!
Trong năm 2020, nhận thấy người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung Bộ phải đối mặt với gánh nặng kép do hạn hán, xâm nhập mặn và Covid-19, UNDP đã hỗ trợ bồn chứa nước, xà phòng và khẩu trang cho 1.500 hộ gia đình nghèo và cận nghèo. Hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 500 hộ nông dân trồng thanh long tại 15 hợp tác xã ở tỉnh Bình Thuận để phục hồi hậu Covid-19. UNDP cũng hỗ trợ trực tiếp các hoạt động công ích tại các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Hà Giang, cung cấp công việc làm tạm thời và thu nhập cho 2.953 gia đình nghèo và cận nghèo bị mất sinh kế bởi tác động của Covid-19, bao gồm nhiều địa phương bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn…