Hà Nội triển khai chương trình này cũng hướng đến mục tiêu chung của Chỉnh phủ là phát triển thể lực và tầm vóc cho thế hệ tương lai, chăm lo cho lứa tuổi vàng của đất nước.
Chương trình đã được Chính phủ phê duyệt
Trước tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực, ngày 8/7/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Chương trình đặt ra 7 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng 1,5cm – 2cm ở cả trẻ trai và trẻ gái so với năm 2010. Đây cũng là mục tiêu của chương trình Sữa học đường mà Hà Nội đang triển khai.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet. |
Tại Hà Nội, chương trình đã phải trải qua nhiều bước, từ tham khảo cách triển ở một số tỉnh thành đã thực hiện, đến khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh, các cơ sở giáo dục, các sở ngành liên quan. Trên cơ sở đó, HĐND TP mới ra Nghị quyết quy định cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình. Đến nay, loại sữa nào sẽ được Hà Nội dùng trong chương trình Sữa học đường vẫn chưa rõ bởi vẫn đang trong giai đoạn đấu thầu.
Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến đã khẳng định, quá trình đầu thấu sẽ được thực hiện công khai, minh bạch theo đúng quy định của Luật đấu thầu hiện nay. Đồng thời, ông Tiến cũng khẳng định, hãng sữa trúng thầu phải là hãng sữa lớn, việc đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng sữa theo quy định của Bộ Y tế. "Đơn vị xây dựng các tiêu chuẩn vi chất để bổ sung vào Sữa học đường cho học sinh Hà Nội là Viện Dinh dưỡng Quốc gia. Cục vệ sinh An toàn thực phẩm, các chi cục của TP chịu trách nhiệm tiền kiểm, hậu kiểm và quản lý việc triển khai cung ứng sữa" - ông Tiến nhấn mạnh.
Nhiều tỉnh đã triển khai
Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh, TP đầu tiên triển khai chương trình "Sữa học đường". Từ năm 2006, tỉnh này đã triển khai chương trình ở nhóm trẻ 3 - 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) ngoài cộng đồng và trẻ ở trong các trường mầm non. Năm 2017, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện, vấn đề dinh dưỡng trong lứa tuổi này ở tỉnh đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Cụ thể, trẻ SDD thể nhẹ cân năm 2006 ở tỉnh là 25%, thì đến cuối 2016 chỉ còn 4,6%, giảm 20,4%. Riêng trẻ SDD thể thấp còi năm 2012 là 10,6%, đến cuối năm 2016 chỉ còn 2,8%, giảm 7,8%. Không chỉ riêng trẻ em trong các trường mầm non, trẻ 3 - 5 tuổi ngoài cộng đồng cũng giảm dần theo từng năm, từ 4.518 trẻ (2012) xuống còn 3.627 trẻ (2016) và số trẻ thoát SDD tăng từ 25.5% (2012) lên 33.5% (2016).
Tại Nghệ An, kết thúc năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh đã có 21/21 huyện, thành thị triển khai cho học sinh uống sữa theo chương trình Sữa học đường với hơn 311.000 trẻ mầm non và tiểu học tham gia, chiếm tỷ lệ 69%. Đánh giá thể lực học sinh của 17 huyện cho thấy, SDD thể cân nặng/tuổi ở các trường mầm non và tiểu học giảm trung bình từ 2,78 - 2,85%; SDD chiều cao giảm trung bình từ 2,39 - 2,75%.
Ngay tại tỉnh liền kề với Hà Nội là Bắc Ninh, chương trình Sữa học đường cũng đã triển khai từ năm 2013. Năm học 2014 - 2015, Bắc Ninh có 159 trường tham gia với hơn 74.000 trẻ được uống sữa. Từ năm học 2015 - 2016, 100% trường mầm non và các cơ sở giáo dục mầm non có 50 trẻ trở lên đều được tham gia chương trình Sữa học đường. Năm học 2016 - 2017, toàn tỉnh có hơn 88.000 trẻ mầm non được uống sữa. Hiệu quả của chương trình thể hiện rõ thông qua tỷ lệ trẻ SDD giảm nhanh. Trong năm học 2016 - 2017, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân nhà trẻ còn 1,6% (giảm 1,16% so với đầu năm học), mẫu giáo còn 2,4% (giảm 2,17%); thể thấp còi nhà trẻ còn 2,9% (giảm 1,19% so với đầu năm học), mẫu giáo còn 3% (giảm 2,8%).
Sữa cần cho phát triển chiều cao của trẻ
Trên thế giới, chương trình Sữa học đường được thực hiện từ rất sớm tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Khi ra đời, chương trình được hưởng ứng rất nhiều bởi những lợi ích của nó như giúp phát triển thể lực, tầm vóc của nhiều thế hệ và tạo thói quen sử dụng sữa hàng ngày cho trẻ em. Chương trình Bữa ăn học đường được Nhật Bản thực hiện từ năm 1954, trong đó yêu cầu mỗi bữa trưa trẻ mầm non, tiểu học phải được uống 200ml. Sau 40 năm áp dụng người Nhật đã tăng chiều cao thêm 10cm, tuổi thọ ở mức cao nhất thế giới. Tại Thái Lan, chỉ số này là 170,3cm với nam và 159cm với nữ, ở Mỹ là 175,9cm với nam và 162,1cm với nữ, ở Trung Quốc là 172,1cm với nam và 160,1cm với nữ. Trong khi đó, ở Việt Nam chiều cao trung bình của nam mới đạt 163,9cm và 153,7cm với nữ, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Theo Trưởng khoa dinh dưỡng trường học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia Bùi Thị Nhung, bổ sung vi chất qua uống sữa tốt hơn so với uống một viện vitamin tổng hợp. Hiện nay, khẩu phần canxi của người Việt Nam chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu khuyến nghị về canxi. Tỷ số canxi/phospho của khẩu ăn hiện thấp làm giảm khả năng hấp thủ và chuyển hóa canxi trong xương, gây ra tình trạng thấp còi.
Trong khi đó, một ly sữa dạng lọc 100ml chưa 100mg hàm lượng canxi. Vì vậy, việc uống sữa là một trong những cách để hấp thụ canxi, giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi ở trẻ. Đồng thời, từ sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, DN, số tiền phụ huynh học sinh phải ra mua sữa chỉ bằng 1/2 mức giá thị trường, các gia đình hộ nghèo chính sách còn được hỗ trợ cao hơn nên việc triển khai chương trình là đúng và cần thiết.