Chương trình tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019 tối 13/7 định diễn gì để bị hủy bỏ?

Lan Ngọc - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, 15 giờ ngày 13/7 Giám đốc Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô chính thức có văn bản không đồng ý để tổ chức chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019”. Một trong những nguyên nhân hủy chương trình tối 13/7 là các màn diễn trong buổi tổng duyệt vẫn cố tình “lách luật”.

Hết Nữ hoàng Văn hóa tâm linh đến Cô đồng tiêu biểu

Sáng 13/7, Ban tổ chức đã chạy chương trình tổng duyệt để chuẩn bị cho đêm diễn. Buổi tổng duyệt này khác với tính chất tổng duyệt nhiều chương trình nghệ thuật khác, là điều kiện cuối cùng để đi đến quyết định chương trình có được phép diễn ra đúng như dự kiến.

 Tầng 1 Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô ''vắng tanh'' sau khi có quyết định dừng tổ chức chương trình. Ảnh: Ngọc Tú

Trong buổi tổng duyệt, ngoài thành viên Ban tổ chức, còn có đoàn thanh tra văn hóa, đại diện lãnh đạo Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô và khó có người ngoài thành phần lọt vào buổi chạy trước của đêm tôn vinh. Nhưng thành phần tham gia thiếu thanh tra và cán bộ văn hóa của Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc (nơi cấp phép cho chương trình, đồng thời là đơn vị duy nhất có thẩm quyền rút giấy phép nếu có vi phạm).

Trước đó, Trưởng Ban tổ chức Nguyễn Thụy Oanh cam kết xóa chữ Tôn vinh trong tên chương trình, cắt giảm các tiết mục không được phép như: Đấu giá, ca hát từ đêm từ thiện (12/7) và không tôn vinh Nữ hoàng, Á hoàng nào trong đêm 13/7. Bà Oanh cho rằng mình cầu thị mọi ý kiến của cơ quan chức năng, với mong muốn chương trình được diễn ra suôn sẻ.

Tuy nhiên, trong buổi tổng duyệt, 2 bài hát (Sống như những đóa hoa, Thương hiệu Việt Nam) được Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép chỉ làm nhạc nền cho các màn giao lưu, trình diễn, giới thiệu thành tích các gương mặt nữ hội viên. Duy nhất, tiết mục đơn ca “Thương hiệu Việt Nam” do chính Trưởng Ban tổ chức, người mang danh Á hậu Doanh nhân Nguyễn Thụy Oanh thể hiện.

Và đặc biệt, chương trình có màn tôn vinh 14 gương mặt tiêu và điển hình đã được Ban tổ chức bình xét và lựa chọn cho các ngành nghề: Gương mặt tiêu biểu ngành nghề mỹ phẩm thảo dược, Cô đồng tiêu biểu, Gương mặt tiêu biểu ngành làm đẹp, Gương mặt tiêu biểu ngành spa, Gương mặt tiêu biểu ngành truyền thông, Gương mặt tiêu biểu chăm sóc, điều trị da thẩm mỹ, Gương mặt tiêu biểu trang điểm nghệ thuật, Gương mặt tiêu biểu Đông y chăm sóc sức khỏe… và thậm chí có cả những gương mặt đã có tên nhưng chưa có danh trong kịch bản trước khi chạy tổng duyệt như Lê Thị Hương - Gương mặt tiêu biểu… Ngọc Trai, Nguyễn Thị Ninh - Gương mặt tiêu biểu…

Chính vì vậy, trong cuộc họp căng thẳng, bàn thảo mất 2 tiếng để Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô ra văn bản không đồng ý để Công ty CP Xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh tổ chức chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” mà chỉ tổ chức biểu diễn nghệ thuật 2 bài hát hát theo đúng Giấy phép của Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc trước đó cấp vào tối 13/7 tại Hội trường lớn.

Không dừng đôi co

Ngay sau khi có văn bản không tổ chức chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019”, đại diện Công ty Ngọc Minh là bà Nguyễn Thụy Oanh và ông Lê Việt Cường đã tức tốc có mặt tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô để trao đổi với các bên.

Cụ thể, tại buổi làm việc giữa hai bên, đại diện của Công ty CP Xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh là ông Lê Việt Cường và bà Nguyễn Thụy Oanh có yêu cầu đại diện Cung làm rõ việc sáng 13/7 bên Công ty đã đưa ra bản kế hoạch chương trình nhưng bên Cung cho rằng không phù hợp và cho dừng tổ chức. Ngoài ra, bên phía Công ty CP Xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh cương quyết muốn làm biên bản cuộc làm việc.

Sau rất nhiều giờ đôi co, Trưởng ban tổ chức mới quyết định ký giấy thông báo không diễn ra chương trình

Trước thái độ của đại diện Công ty CP Xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh - đơn vị thuê địa điểm tổ chức chương trình “Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt 2019”, Giám đốc Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô Phạm Tuấn Anh cho biết, Cung không có thẩm quyền để duyệt kế hoạch mà bên phía Công ty CP Xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh cung cấp.

“Chúng tôi đã yêu cầu bên phía công ty cung cấp những giấy tờ pháp lý chứng minh chương trình “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” được tổ chức nhưng đại diện công ty không đưa được giấy tờ gì thuyết phục đã thực hiện đúng các quy định. Chính vị thế chúng tôi yêu bên công ty tổ chức sự kiện Nguyễn Lê tháo dỡ những biển hiệu ở tầng 1 có những dòng chữ “Nữ thương hiệu” vì chưa có giấy phép. Ngoài ra, chiều 13/7 chúng tôi đã gửi văn bản yêu cầu không tổ chức đến các bên” - ông Phạm Tuấn Anh nói.

Theo quan sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại nơi diễn ra sự việc, từ 14 giờ đến 20 giờ ngày 13/7, phía Ban tổ chức có rất nhiều động thái cứu vớt để chương trình được diễn ra. Phải đến 18 giờ, bà Nguyễn Thụy Oanh mới viết giấy thông báo không diễn ra chương trình vào tối 13/7 vì điều kiện đặc biệt để lực lượng bảo vệ Cung dán thông báo đến khán giả.

Được biết, phía Cung vẫn chuẩn bị sân khấu, lực lượng phục vụ nếu Ban tổ chức có nhu cầu tổ chức chương trình nghệ thuật với 2 bài hát được cho phép. 19 giờ 50, toàn bộ thành viên Ban tổ chức rút khỏi sảnh Cung. Và đến 20 giờ 10, Công ty Ngọc Minh không có động thái muốn tổ chức chương trình, Cung mới chính thức đóng cửa, chính thức hủy tổ chức chương trình.