Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện chính thành phụ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị cấp cao thường niên năm nay của Nhóm G20 ở Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) đánh dấu bước chuyển về chất rất quan trọng đối với khuôn khổ diễn đàn đa phương này.

Hội nghị diễn ra trong bóng phủ của những gì vừa xảy ra ở Thủ đô Paris của nước Pháp. Nó buộc phải tập trung trước hết và nhiều nhất vào chủ đề nội dung chống khủng bố quốc tế và cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Tất cả những chủ đề nội dung khác không chỉ đặc thù cho khuôn khổ diễn đàn này mà còn là nguyên cớ giúp nó ra đời và tồn tại đến nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đối phó với khủng hoảng tài chính, nợ công đều trở thành chuyện phụ. Như thế có nghĩa, từ một khuôn khổ diễn đàn thuần túy về kinh tế, tài chính và tiền tệ, Nhóm G20 đang trở thành khuôn khổ diễn đàn đa phương cho bàn thảo và đề xướng ý tưởng giải pháp cho những vấn đề chính trị thời sự của thế giới. Hội nghị cấp cao này vì thế báo hiệu những thay đổi rất cơ bản trong cả tôn chỉ mục đích lẫn hoạt động cụ thể của G20.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao G20 tại TP Antalya - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-11 Ảnh: REUTERS
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao G20 tại TP Antalya - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15-11 Ảnh: REUTERS
Để chuyện chính trở thành chuyện phụ như thế có thể tích cực đối với G20. Ra đời năm 2008, khuôn khổ diễn đàn này đã nhanh chóng phát triển trở thành một dạng thể chế đa phương mới của thế giới. Những thành viên tham gia, bao gồm 19 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới và EU, nuôi kỳ vọng G20 sẽ trở thành một kiểu "Chính phủ của cả thế giới". Tham vọng này sẽ không thể trở thành sự thật nếu như G20 chỉ quan tâm đến chuyện kinh tế, thương mại, tài chính và tiền tệ. Trong thế giới hiện đại ngày nay, G20 không thể giải quyết được những vấn đề đang đặt ra về kinh tế, thương mại, tài chính và tiền tệ nếu tách biệt hoàn toàn hoặc thậm chí chỉ cần đáng kể với chính trị. Chính trị giúp G20 xử lý ổn thỏa hơn và kịp thời hơn những vấn đề nói trên của G20.

Nhưng nếu cứ tiếp tục chiều hướng chính trị hóa thì G20 sẽ dần sa vào vết xe đổ của khuôn khổ diễn đàn khác có từ năm 1975 với tên gọi là Cấp cao kinh tế thế giới giữa 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, được gọi là Nhóm G7, về sau thêm Nga thành Nhóm G8, nhưng rồi vì chuyện xảy ra ở Ukraine mà Nga bị cô lập nên hiện lại trở về khuôn khổ trước là G7. Khi xưa, G7 cũng khởi nguồn từ nhu cầu thống nhất quan điểm về cách giải quyết các vấn đề kinh tế thế giới và cũng được gần xa coi là một kiểu Chính phủ của thế giới. Theo thời gian, G7 đã bị chính trị hóa ngày càng nhiều và càng mất gốc thì vai trò và ảnh hưởng thực tế ngày càng giảm, cho dù danh tiếng có tăng hơn. G20 như thể hiện ở hội nghị cấp cao này đang có chiều hướng sao chép lộ trình phát triển của G7 khi bắt đầu để chuyện chính thành chuyện phụ. Như thế chỉ có lợi trước mắt cho các thành viên của G20 chứ về lâu dài lợi bất cập hại đối với G20.