Vì Nhân dân phục vụ
Tây Hồ là một trong những quận, huyện của thành phố Hà Nội có diện tích đất tự nhiên tiếp giáp với sông Hồng - khu vực “đầu sóng, ngọn gió”, khu vực “nhạy cảm” mỗi khi thời tiết có những thay đổi, diễn biến phức tạp. Bão số 3 và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 trong những ngày vừa qua là một ví dụ điển hình.
Nhận thức được tầm quan trọng, mức độ nguy hiểm của bão, lũ gây ra với đời sống Nhân dân, trong quá trình thực hiện công tác phòng chống lụt bão, quận Tây Hồ luôn bám sát các chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan. Cùng với đó, quận Tây Hồ đã luôn chủ động, quyết liệt thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho tính mạng của Nhân dân với phương châm “tính mạng con người là trên hết, còn người là còn tài sản”…
Nói như vậy là bởi, trong tổng số gần 7.000 nhân khẩu thuộc diện di dời, không phải trường hợp nào cũng nhận thức được mức độ nguy hiểm của mưa, lũ, tầm quan trọng của việc di dời khẩn cấp. Thế nên mới có câu chuyện, nhiều trường hợp dù đã được vận động, thuyết phục nhiều lần nhưng chỉ khi nước sông dâng lên quá đầu gối… người dân mới hối hả cầu cứu các lực lượng chức năng.
Và câu chuyện tại phường Phú Thượng là một ví dụ điển hình. Khoảng 9 giờ sáng ngày 11/9, khi nước sông Hồng đang ở mức báo động 2, ngấp nghé báo động 3, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN phường Phú Thượng nhận được điện thoại cầu cứu của một trường hợp tại Tổ dân phố số 1 đề nghị hỗ trợ di chuyển vào bờ. Ngay lập tức, gần chục cán bộ chức năng phường, Ban Chỉ huy quận sự phường và Nhân dân trong khu vực đã nhanh chóng tiếp cận, đội mưa, ngâm mình trong nước hàng chục phút… để tiếp cận di chuyển người dân đến nơi an toàn.
Không chỉ tại phường Phú Thượng, những câu chuyện như trên diễn ra tương tự tại một số phường có diện tích ngoài bãi sông Hồng thuộc địa bạn quận Tây Hồ. Chủ tịch UBND phường Tứ Liên Đoàn Văn Dương chia sẻ, khi lực lượng chức năng vận động, nhiều gia đình lấy lý do như: ở lại để bảo vệ tài sản, nhà ở nơi đất cao… nên không hợp tác, đồng ý việc di dời. Thế nhưng, khi nước lũ dâng cao tràn vào nhà, người dân mới cầu cứu đến lực lượng chức năng.
“Tại thời điểm đó, nước lũ đã lên cao việc di dời người dân và tài sản gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Song, với phương châm “tính mạnh con người là trên hết”, phường Tứ Liên đã tối đa nhân lực để tiếp cận, đưa những người dân đó đến nơi an toàn” - Chủ tịch UBND phường Tứ Liên chia sẻ.
Đảm bảo tốt nhất đời sống của Nhân dân nơi tạm cư
Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Khuyến cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, thực hiện chỉ đạo của Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan, cũng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân khu vực ngoài bãi sông Hồng, khu vực nguy hiểm… di chuyển đến nơi an toàn, quận đã chỉ đạo các đơn vị bố trí lực lượng dọn dẹp, chuẩn bị như yếu phẩm thiết yếu, cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người dân nơi tạm cư.
Cụ thể, theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, cùng việc hỗ trợ chuẩn bị cơ sở vật chất, hiện tại UBND quận đã tạm cấp kinh phí 500 triệu đồng/phường có đê để thực hiện công tác di dời, đảm bảo cơ sở vật chất, lương thực cho người dân trong quá trình tạm cư. Ngoài ra, quận đã chỉ đạo Phòng Y tế, trung tâm y tế phân công cán bộ chịu trách nhiệm từng khu vực tạm cư để kịp thời thăm khám sức khoẻ cho Nhân dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ có sự vào cuộc của các đơn vị chức năng từ quận đến phường, hiện nay việc chăm lo đời sống cho người dân tạm cư phòng chống mưa, lũ tại quận Tây Hồ cũng đang nhận được sự tham gia hỗ trợ từ các tầng lớp Nhân dân, các nhà hảo tâm trên địa bàn.
Bà Mai Thị Son - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 10, phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) chia sẻ, hiện nay, Nhà văn hoá Tổ dân phố số 10 đang tiếp nhận 6 gia đình với 12 nhân khẩu tạm cư, sinh hoạt, tránh mưa lũ. Từ khi các hộ gia đình về đây, các mạnh thường quân trên địa bàn phường đã cung cấp, ủng hộ các suất ăn miễn phí theo bữa, theo ngày cho các hộ dân. “Hiện nay, số mạnh thường quân xin ủng hộ đồ ăn rất nhiều, chúng tôi đang phải cân đối sao cho phù hợp không để lãng phí lương thực, thực phẩm, phụ tấm lòng thơm thảo của các nhà hảo tâm” – bà Mai Thị Son cho biết.
Trực tiếp kiểm tra các khu ở tạm cư trên địa bàn, Bí Thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng thay mặt lãnh đạo quận Tây Hồ, các hộ dân đang phải tạm cư để tránh bão cám ơn tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “thương người như thể thương thân”… của các nhà hảo tâm. Đồng thời, Bí thư Quận uỷ Tây Hồ yêu cầu chính quyền các phường, các đơn vị chức năng triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân nơi tạm cư song song với công tác phòng chống mưa, lũ…