Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện của bà vợ ghê gớm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vợ ngẫm kỹ, lương không cao chót vót nhưng cũng chẳng thấp lè tè. Vợ chồng cưới xong, thuê nhà, cơm nước, họ nội, họ ngoại tự vợ xoay hết.

KTĐT - Vợ ngẫm kỹ, lương không cao chót vót nhưng cũng chẳng thấp lè tè. Vợ chồng cưới xong, thuê nhà, cơm nước, họ nội, họ ngoại tự vợ xoay hết. Chồng trẻ, mê tụ tập, đàn đúm, thấy vợ giỏi quá, không cần tiền của mình mà vẫn sống vững thì sinh thói ỷ lại. Vợ khóc, vợ buồn, vợ sầu khổ, kệ thôi.

Căn đúng mùng 6 chồng có lương, vợ chặn sẵn ở cửa: “Anh, có lương chưa? Nộp tiền cho em?”. Chồng vẫn giọng điệu cũ: “Anh còn nhiều việc lớn” (lang lảng). “Anh không đóng tiền, em không nấu cơm tối”, nói rồi vợ phóng xe đi, kiếm một hàng phở. 

Không khóc nổi vì suốt hai tháng sau cưới, vợ đã khóc lóc, kể lể, khuyên can, giảng giải, dỗ dành rồi như năn nỉ, van xin mà cái lão được gọi là chồng vẫn chẳng đưa cho một đồng lương. Lúc nào cũng là “anh có nhiều việc phải làm, anh lo việc lớn, anh phải đi học, anh tiết kiệm mua nhà”… Việc nhỏ trong nhà còn lo chưa xong, nói chi việc lớn.

Ví dụ sờ sờ là chuyện chị gái đứa bạn thân của vợ. Lấy chồng ở rể, chồng bảo: “Em lo sinh hoạt, anh dành dụm mua đất”. Nghe chí lý, chị ấy chẳng phản đối gì. Giờ thằng bé nhà anh chị đã học lớp 5, chị hỏi chồng tích được bao nhiêu, chồng cáu kỉnh. Chị làm căng, chồng mắng mỏ, chửi bới. Định ly hôn vài lần nhưng không thành, chị ấy hàng ngày nhịn nhục cắn răng chăm chồng, nuôi con như chuyện dĩ nhiên phải thế. 

Chồng bo bo như sợ hở ra đồng nào, vợ cuỗm mất. Chị đoán anh chẳng có bao, lương công nhân thấp, thêm cái máu nhậu nhẹt, lại nghiện thuốc lá, ngày nào cũng mất đứt một bao thuốc thì khác chi miệng ăn núi lở. Đấy, không quyết liệt ngay từ đầu, sau này có muốn cải tổ cũng muộn.

Vợ ngẫm kỹ, có khi cũng tại mình. Lương không cao chót vót nhưng cũng chẳng thấp lè tè. Vợ chồng cưới xong, thuê nhà, cơm nước, họ nội, họ ngoại tự vợ xoay hết. Chồng trẻ, mê tụ tập, đàn đúm, thấy vợ giỏi quá, không cần tiền của mình mà vẫn sống vững thì sinh thói ỷ lại. Vợ khóc, vợ buồn, vợ sầu khổ, kệ thôi.

Đã thế vợ phải làm cho ra ngô, ra khoai. Anh muốn tích lũy gì cũng được nhưng hàng tháng, anh phải đóng sinh hoạt phí. Khi có con thì phải đóng thêm tiền nuôi con. Dư ra đồng nào vợ tiết kiệm dùm anh, đi đâu mà thiệt. Anh không muốn đưa tiền cho vợ thì anh cưới vợ làm chi, ở vậy cho nhàn thân có hơn không?

Vợ dõng dạc tuyên bố: “Anh không đưa lương thì tự túc cơm tối. Em không nấu nữa. Tiền nhà cưa đôi. Chuyện gì của họ nhà anh, anh chi tiền. Việc bên nhà em, em lo”. Chồng xoay lưng ngủ, không có phản ứng gì, chắc chẳng ngờ vợ dám làm thật.

Vợ ăn về thấy chồng cởi trần, xem tivi, nhồm nhoàm gặm bánh mỳ. Thế mà vẫn “cùn” lắm, nhất định không đưa tiền, còn nịnh bợ: “Thôi, để tháng sau anh đưa. Tháng này còn nộp tiền ở lớp cao học”. “Đấy là chuyện của anh” - vợ dứt khoát lạnh lùng.

Hôm sau thấy bếp vắng tanh, bà chủ nhà đòi tiền phòng, nghe vợ năn nỉ: “Bác thông cảm, cho nhà cháu vài hôm để chờ chồng cháu lĩnh lương đã”, chồng thương tình rút ví đưa 3 triệu. Thế là hơi ít so với lương của chồng, nhưng thôi, khởi đầu tạm vậy đã. Nghĩ thương chồng, vợ lại tất bật chuẩn bị cơm tối. Tháng sau cứ thế mà phát huy.