Chuyện dài về chất lượng nguồn nhân lực
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyện dài về chất lượng nguồn nhân lực

Duy Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ đề việc làm chiếm “dung lượng” lớn trong Hội nghị DN các nền kinh tế APEC vừa qua đủ cho thấy mối lo lắng của DN Việt hiện nay là vấn đề việc làm.

Tại một cuộc hội thảo mới đây, có chuyên gia kinh tế cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều lợi ích cho DN. Điều đó không cần bàn cãi, nhưng đi kèm với cơ hội luôn là thách thức.
Trả lời một DN dệt may, có vị diễn giả nói rằng, hình dung ngành dệt may Việt Nam sẽ biến mất trong 10 năm tới khi mỗi gia đình đều có máy in 3D. Ông còn đoán định, thời gian tới, 86% lao động dệt may và nhiều ngành khác của Việt Nam sẽ… ra đường. Còn Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, việc 2 triệu lao động dệt may mất việc là “bi thảm”, nhưng cũng phải chấp nhận thay đổi. Tuy nhiên, lại có quan điểm khác cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không ảnh hưởng đến việc làm của con người, vì máy móc luôn phụ thuộc vào con người. Chủ nhân của quan điểm này dẫn chứng, Samsung hiện đã lắp khoảng 1.500 robot, nhưng không hề giảm lao động, tăng trưởng vẫn 15 - 20% và vẫn đảm bảo công việc cho người lao động.

Dù quan điểm có “vênh” nhau là vậy, song việc đào tạo lại nhân lực phải tính ngay từ giờ. Không phải ngẫu nhiên, Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Smartlines JSC - Vietnam IOT Alliance Đỗ Trung Hiếu khuyến cáo DN cần nhanh chóng xây dựng chiến lược và kế hoạch áp dụng công nghiệp 4.0 để giải quyết các bài toán kinh doanh, sản xuất. Để làm tốt điều này, mấu chốt là phải thay đổi, phải nghĩ khác về kinh doanh và lao động. Cùng với đó, chính sách cũng phải phù hợp với thực tế chứ không phải “cơi nới”, chắp vá, sửa cho có lệ. Phải thống nhất rằng, giá lao động của ta không còn rẻ, chất lượng lao động không còn đáp ứng sản xuất. Việt Nam lâu nay vẫn “đủng đỉnh”, trong khi nhiều nước quyết đấu với ta trong cuộc cách mạng này. Đối thủ đang thắng chúng ta về năng suất, thị trường, mà năng suất phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng lao động. Bài học về năng suất lao động trong khu vực Đông Nam Á luôn mang tính thời sự cấp bách.

Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ 75,2% tổng dân số, nhưng số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 17,9% (nông thôn 11,2%), và người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao chỉ chiếm 24,68%. Việt Nam có 24.300 lao động có trình độ tiến sĩ, 101.000 lao động có trình độ thạc sĩ, nhưng số lượng tiến sĩ làm việc ở khu vực sản xuất kinh doanh chỉ 19,81%, tương ứng nhân lực có trình độ thạc sĩ: 60,20%; cử nhân và kỹ sư các chuyên ngành là 30,42%. Chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm xếp thứ 11/12 nước châu Á (xếp hạng của Ngân hàng Thế giới). Trung bình hàng năm có khoảng 1,2 - 1,3 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động, nhưng số người theo học tại các cơ sở dạy nghề rất ít, chất lượng đào tạo không tốt, nhiều ngành nghề không đáp ứng yêu cầu, đang gây lãng phí về đầu tư của người dân và xã hội. Tỷ lệ lao động phổ thông không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 81,6% tổng số lao động, số liệu này khác nhiều so với báo cáo của cơ quan chức năng.

Đây thực sự là vấn đề rất đáng báo động về chất lượng nguồn nhân lực, một câu chuyện dài cần tiếp tục bàn để tìm ra hướng đi thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hối thúc.