Xác định lại chiến lược xoay trục
Từ cuối năm ngoái, nhiều nhà quan sát đã nhận định, Mỹ không còn mặn mà với chính sách hướng Đông, thậm chí trong thông điệp liên bang hồi tháng 1, vấn đề đối ngoại chỉ chiếm một vai trò rất khiêm tốn và trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương không là ưu tiên chính. Vì thế, trong chuyến công du châu Á lần thứ 5 kể từ khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Obama phải xóa đi ấn tượng rằng các sự kiện như nội chiến ở Syria, sự đối đầu Đông - Tây ở Ukraine đã thu hút quá nhiều sự chú ý của Washington. Đồng thời phải thuyết phục Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines rằng chính sách "tái cân bằng" của Mỹ đang tiếp tục được thực hiện. Ngoài ra, trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp, mục đích quan trọng của ông Obama trong chuyến thăm này là tăng cường liên kết với các đồng minh để làm đối trọng với Trung Quốc, đồng thời tránh làm Trung Quốc "tức giận". Thế nên, dù không hề đặt chân tới Bắc Kinh, nhưng "cái bóng" Trung Quốc đã bao phủ trong hầu hết các cuộc hội đàm của ông chủ Nhà Trắng với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.
Trên thực tế, trong chuyến công du châu Á đầu tiên kể từ khi Bắc Kinh tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông hồi năm ngoái, hôm 23/4, Tổng thống Obama đã khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong khuôn khổ một hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật ký kết năm 1960. Tuyên bố trên của ông Obama đã vấp phải sự chỉ trích của Bắc Kinh, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ hôm 25/4 Thôi Thiên Khải cáo buộc Washington "thiên vị".
Tăng cường hợp tác với ASEAN
Trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama, việc chọn Malaysia và Philippines - hai quốc gia Đông Nam Á cho thấy, Washington đang hướng đến là tăng cường hợp tác thương mại Mỹ - ASEAN.
Giữa lúc ASEAN ngày càng khẳng định vị trí trung tâm trong quá trình trỗi dậy ở khu vực Đông Á, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ cho rằng ASEAN là đối tác không thể thiếu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vì thế, Mỹ dù chưa ký kết bất kỳ hiệp định thương mại tự do nào với ASEAN nhưng hai bên đã có quan hệ thương mại tương đối chặt chẽ. Hiện Mỹ và ASEAN là đối tác thương mại chủ yếu của nhau. Ngay từ năm 2002, Mỹ đã đưa ra "Sáng kiến kinh doanh ASEAN" - khung pháp lý đầu tiên tăng cường quan hệ thương mại với ASEAN. Thời điểm đó, Mỹ đã nhận thức được rằng trong kết cấu thương mại tự do ở khu vực Đông Á, ASEAN sẽ là người lãnh đạo trên thực tế.
Trong chuyến đi này, nếu Tổng thống Obama thành công trong việc tăng cường hợp tác với ASEAN sẽ góp phần củng cố vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực.
Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong buổi hội đàm. Ảnh: AP
|
Ngày 27/4, trong khuôn khổ chuyến thăm Malaysia, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng chủ nhà Najib Razak đã nhất trí nâng tầm quan hệ song phương lên "quan hệ đối tác toàn diện". |