Là xã thuần nông, đời sống của người dân Trầm Lộng phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù là vùng chiêm trũng nên việc sản xuất lúa cho hiệu quả thấp. Trước những khó khăn trong phát triển cây lúa, Đảng bộ và người dân xã Trầm Lộng đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất. Hiện tại, trên địa bàn xã có hơn 600 hộ đã chuyển đổi sang mô hình sản xuất đa canh kết hợp chăn nuôi, với tổng diện tích 206ha. Điển hình, gia đình anh Lê Văn Hợi (thôn Triệu Vỹ), đã chuyển đổi 100% diện tích 2ha sang thả cá và nuôi vịt. Từ năm 2005 đến nay, gia đình đã đầu tư 800 triệu đồng cho việc phát triển mô hình. Trang trại của gia đình anh hiện đang nuôi 1.000 con vịt đẻ, cho thu hoạch 700 quả trứng/ngày. Bên cạnh đó, gia đình anh còn kết hợp nuôi cá thương phẩm giá trị cao như trắm, chép, rô phi… Năm 2013, mô hình này đã mang lại cho gia đình anh thu nhập hàng tỷ đồng, trừ các khoản chi phí, cho thu lãi khoảng 500 triệu đồng.
Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại nên nhiều hộ trong xã cũng đã chủ động học hỏi kinh nghiệm, đầu tư vốn và mở rộng quy mô sản xuất. Nhiều hộ đã tự thỏa thuận chuyển nhượng ruộng cho nhau để tạo những khu nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi tập trung. Nhờ vậy, đời sống của người dân xã Trầm Lộng ngày càng được nâng cao.
Ông Đinh Quang Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Trầm Lộng cho biết, những năm qua, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất chiêm trũng, xã đã chủ động phá thế độc canh cây lúa, tận dụng mặt nước thủy sản để xây dựng vùng chăn nuôi thủy sản tập trung, sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích hàng năm tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 500 lao động. Bên cạnh đó, UBND xã cũng tích cực triển khai các chủ trương của huyện và TP, vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt là trong công tác đồn điền đổi thửa, góp phần tạo tiền đề cho việc hình thành các vùng chuyên canh. Do đó, ngay từ năm 2005, xã đã sớm hoàn thành công tác đồn điền đổi thửa.
Ông Đinh Quang Lĩnh cho biết thêm, từ thành công của mô hình sản xuất đa canh sau 5 năm thực hiện chuyển đổi, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư; tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh. Đây là cơ sở vững chắc để xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Mô hình sản xuất đa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Ứng Hòa. Ảnh: Lâm Nguyễn
|